Thịt bò là một thực phẩm được ưa chuộng ở Indonesia - nơi có gần 90% dân số theo đạo Hồi. Nhưng dịch lở mồm long móng đang lan rộng khiến người dân nước này lo sợ việc ăn thịt bò.
Indonesia đã không trải qua đợt dịch lở mồm long móng ở bò nào từ năm 1986, vì vậy, việc giới chức thông báo dịch ở Đông Java vào đầu tháng 5 đã khiến người chăn nuôi và người tiêu dùng lo sợ.
Dịch bệnh hiện đã lan ra ít nhất 16 trong số 34 tỉnh, lây nhiễm cho hơn 20.700 con bò. Triệu chứng nhận thấy ở những con bò bị lở mồm long móng là sốt cao, sổ mũi, thở nhanh, chán ăn, sủi bọt, móng phồng rộp và mưng mủ.
Một con bò bị mắc FMD tại tỉnh Aceh - Ảnh: Channel News Asia
Theo Thống đốc Đông Java Khofifah Indar Parawansa, trường hợp mắc FMD đầu tiên của tỉnh được phát hiện vào ngày 28/4 tại vùng Gresik, sau đó Lamongan, Sidoardjo, Mojokerto cũng ghi nhận ca bệnh. Tỉnh tiếp theo có ca bệnh là Aceh. Nông dân Abdurrahman Wahid nhận thấy gia súc của mình bị bệnh vào ngày 30/4.
Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) xác định FMD là bệnh do virus gây ra dễ lây lan trên gia súc. Bệnh ảnh hưởng đến lợn, bò, cừu, dê và nhiều loài nhai lại có móng guốc khác. Triệu chứng thường gặp là sốt, nổi mụn nước giữa các ngón, móng, tuyến vú, môi hoặc lưỡi khiến con vật không thể đi đứng hoặc ăn uống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!