Hiện 7 bang ở quốc gia này tuyên bố, nấm đen là dịch bệnh và kích hoạt các biện pháp khẩn cấp để ứng phó.
Bệnh nấm đen thông thường xuất hiện ở người khi họ tiếp xúc và hít phải phân tử nấm mốc trong đất, thực vật ngoài môi trường tự nhiên. Bệnh tấn công hệ hô hấp, não bộ và có thể đe dọa tính mạng đối với những người có hệ miễn dịch yếu. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này lên tới 50%.
Nấm đen không phải là một bệnh truyền nhiễm.
Tại Ấn Độ đang xuất hiện một hiện tượng đáng lo ngại. Thông thường, quốc gia này ghi nhận chưa đến 20 ca bệnh nấm đen trong một năm, nhưng hiện nay số ca mắc bệnh này tăng đột biến. Thống kê đến ngày 22/5 cho thấy, hơn 8.800 người ở Ấn Độ đã bị mắc bệnh nấm đen, đa phần là bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, trong đó 219 ca tử vong.
Bác sĩ Anil Goyal (ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ) cho biết: "Đây là những bệnh nhân đã hồi phục 2 tuần sau khi mắc COVID-19. Những người này bị suy giảm hệ miễn dịch, mắc tiểu đường và đã được dùng steroid nên nuy cơ mắc nấm đen cao hơn. Nấm đen không phải là một bệnh truyền nhiễm. Một người có thể mắc bệnh từ môi trường nhưng họ không thể truyền bệnh cho người khác".
Hiện 7 bang ở Ấn Độ tuyên bố, nấm đen là dịch bệnh. (Ảnh: AP)
Tuần trước, Chính phủ Ấn Độ đã khuyến cáo chính quyền các bang cần chuẩn bị, huy động đội ngũ bác sĩ phẫu thuật cũng như các chuyên gia tai, mũi, họng để sẵn sàng điều trị số bệnh nhân mắc bệnh "nấm đen" đang ngày càng gia tăng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố: "Nấm đen là một thách thức mới nổi lên trong cuộc chiến với COVID-19. Chúng ta cần cảnh giác và sẵn sàng đối phó".
Hiện thủ đô New Delhi và các thành phố lớn khác đã phải mở những khu điều trị đặc biệt cho hàng nghìn ca mắc bệnh này. Cuộc chiến chống COVID-19 tại Ấn Độ đang trở thành "cuộc chiến kép", vừa chống virus SARS-CoV-2 vừa chống bào tử nấm gây bệnh nấm đen ở người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!