Vua Charles III đăng quang
Ngày 6/5, lễ đăng quang của vua Charles đệ tam đã diễn ra tại thủ đô London, Anh. Lễ đăng quang được ca ngợi là màn trình diễn xa hoa và lộng lẫy có nguồn gốc từ khoảng 1.000 năm trước.
Vua Charles III đăng quang (Ảnh: Sky News)
Đây cũng là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa hoàng gia, giáo hội và nhà nước Anh, diễn ra gần 8 tháng sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời và Thái tử Charles được tấn phong làm Vua hồi tháng 9/2022.
Đối với nhiều người dân Anh, cơ hội chứng kiến lễ đăng quang chỉ có 1 lần trong đời.
Liên tiếp tăng lãi suất
0,25 điểm % là mức tăng lãi suất đồng loạt được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) công bố tuần qua.
Sau lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của FED và thứ 7 của ECB, lãi suất cơ bản của Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu đang ở ngưỡng cao nhất kể trước khủng hoảng tài chính năm 2008.
Điều này không nằm ngoài dự đoán của thị trường khi Mỹ và EU đang ra sức kìm hãm lạm phát. Tuy nhiên, nó cũng sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến lãi suất từ tài khoản tiết kiệm đến thẻ tín dụng…
Thắt chặt quan hệ đồng minh
Trong tuần qua có chuyến thăm đáng chú ý của Tổng thống Philippines tới Mỹ lần đầu tiên trong suốt 10 năm nay.
Tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Marcos Jr. và ông Joe Biden đã nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong bảo vệ đồng minh Philippines, bao gồm cả ở Biển Đông. Điều này đồng nghĩa bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào lực lượng của Philippines ở Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung được hai nước ký năm 1951.
Chuyến thăm của Tổng thống Marcos Jr. và việc tăng cường quan hệ song phương giữa Mỹ và Philippines có ý nghĩa to lớn đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.
Giếng khoan dầu khí sâu nhất ở châu Á
Trung Quốc ngày 1/5 đã khởi công dự án khoan giếng dầu khí sâu nhất châu Á.
Giếng khoan "Dược tiến 3-3" có độ sâu tới 9.472 m nằm ở khu vực lòng chảo Tarim, trên rìa sa mạc Taklamakan lớn nhất của Trung Quốc. Đây là khu vực lòng chảo chứa dầu mỏ lớn nhất Trung Quốc nhưng cũng là một trong những nơi khó thăm dò nhất, một phần vì trữ lượng dầu khí nằm ở độ sâu từ 6.000 - 10.000 m dưới lòng đất.
Để có thể làm được điều này, tập đoàn năng lượng Sinopec đã cải tiến công nghệ khoan, đưa Trung Quốc trở thành một trong số ít những quốc gia trên thế giới có khả năng khoan giếng sâu tới 10.000 m.
Củng cố tam giác Nga - Trung Quốc - Ấn Độ
Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Trung Quốc và Ấn Độ hội đàm bên lề Hội nghị Ngoại trưởng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra trong tuần này tại Ấn Độ. Hàng loạt động thái ngoại giao song phương, đa phương, rất nhiều hợp tác kinh tế được thúc đẩy thời gian gần đây giữa Nga với các nước, được gọi với tên "Các quốc gia thân thiện".
Một cuộc chiến vẫn đang kéo dài ở phía Tây châu Âu, phương Tây vẫn đang gia tăng các lệnh trừng phạt Nga. Nhưng phải chăng đã có những chuyển dịch mới trong vị thế chính trị, kinh tế của Nga, thông qua mối quan hệ với các quốc gia thân thiện và rộng hơn, những chuyển dịch mới trong các trục quan hệ địa chính trị.
Trong một sự kiện cách đây khoảng 10 ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhấn mạnh, Moscow sẽ không tuân theo "luật chơi" do một số quốc gia nhất định tự áp đặt. Có thể hiểu đơn giản nhất, đây là một tuyên bố tự tin, rằng các động thái trừng phạt, bao vây đang áp đặt vào Nga sẽ không thể nhanh chóng khiến nước này khuất phục. Và thực tế cho thấy, các hoạt động đối ngoại của Nga có thể nói là đang sôi động nhất, từ khi nổ ra chiến dịch quân sự đặc biệt hơn 1 năm trước cho tới nay.
Thế giới, theo quan điểm của Nga, hiện được chia thành 2 nhóm, các nước không thân thiện - có thể hiểu là Mỹ và các đồng minh, nơi xuất phát của các lệnh trừng phạt hướng vào Nga, phần còn lại là các quốc gia thân thiện.
Các động thái ngoại giao liên tiếp gần đây của Nga thể hiện rõ mục tiêu làm dày thêm danh sách các quốc gia thân thiện này. Trong danh sách tăng cường thúc đẩy hợp tác này, có không ít cường quốc giữ vai trò mang tầm ảnh hưởng.
Bên lề hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra cuối tuần này tại Goa, Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã có các cuộc gặp song phương với người đồng cấp Ấn Độ và Trung Quốc. Trong các cuộc gặp, các ngoại trưởng đều nhấn mạnh sự tăng cường hợp tác song phương ở mọi lĩnh vực.
Sự hợp tác giữa Nga với Trung Quốc và Ấn Độ đều dựa trên khái niệm mới về chính sách đối ngoại do Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt hôm 31/3.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)
"Tôi đã yêu cầu chính sách đối ngoại mới đặc biệt chú ý đến việc mở rộng quan hệ với các đối tác mang tính xây dựng và tạo điều kiện cho các quốc gia không thân thiện từ bỏ chính sách thù địch của họ đối với đất nước chúng tôi" - Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh.
Theo đó, Nga sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược với Trung Quốc, ưu tiên phát triển hợp tác cùng có lợi trong mọi lĩnh vực, luôn hỗ trợ lẫn nhau và tăng cường phối hợp trên trường quốc tế vì lợi ích, an ninh quốc gia, ổn định, phát triển bền vững ở cấp độ thế giới và khu vực Á - Âu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AP)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: "Tôi chắc chắn rằng, nỗ lực chung của chúng ta sẽ làm cho quan hệ Nga - Trung Quốc ngày càng bền chặt. Mối quan hệ sẽ mang lại hạnh phúc cho người dân chúng ta và sẽ đóng góp vào sự thịnh vượng và tiến bộ của nhân loại. Tôi đề nghị nâng ly chúc mừng sự phát triển hơn nữa của quan hệ Nga - Trung quan hệ đối tác chiến lược trong thời kỳ mới, vì sự thịnh vượng, phát triển và hạnh phúc của nhân dân ta, vì tình hữu nghị giữa các dân tộc ta từ thế hệ này sang thế hệ khác".
Ấn Độ có quan hệ truyền thống rất tốt đẹp với Nga. Ngoài việc là đối tác quốc phòng lớn nhất, Nga và Ấn Độ đang hướng tới trở thành đối tác kinh tế lớn của nhau. Ấn Độ trong năm qua đã trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Nga, với sản lượng 1,64 triệu thùng/ngày. Kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga tăng 4 lần lên hơn 46 tỷ USD. (5661) Và trong tháng 4 vừa qua, quan chức 2 nước đã có cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do.
Ông Denis Manturov - Bộ trưởng Công thương Nga - cho biết: "Chúng tôi đang thảo luận với Ấn Độ về một thỏa thuận thương mại tự do giữa hai quốc gia, đồng thời bảo vệ sự đầu tư lẫn nhau ở cả hai nước. Tôi chắc chắn rằng cơ chế này sẽ rất có lợi cho cả hai bên. Chúng tôi cũng rất chú trọng đến sự gia tăng chất lượng trong thương mại và hợp tác".
Hiện tại, Ấn Độ đang đặt mục tiêu thu hẹp thâm hụt thương mại ngày càng tăng với Nga. Trong khi đó, Nga cũng đang tìm cách tăng cường nhập khẩu máy móc của Ấn Độ nhằm cải thiện cán cân thương mại. Ngoài ra, Nga đang muốn nhập hơn 500 sản phẩm từ Ấn Độ để phục vụ các ngành sản xuất trong bối cảnh hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây cản trở hoạt động của các ngành công nghiệp cốt lõi của Nga. Phía Nga đang đề xuất xem xét khả năng sử dụng rộng rãi đồng nội tệ của hai nước và tiền tệ của các nước thân thiện, điều này sẽ cho phép giảm thiểu chi phí và rủi ro tiền tệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!