Được ví như Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm nay thu hút hơn 2.000 đại biểu từ hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhấn mạnh, trên thế giới đang có nhiều thách thức, Trung Quốc cam kết cải cách mở cửa. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ không chỉ "bơm" động lực và sức sống mới vào nền kinh tế thế giới mà còn còn chia sẻ các cơ hội và lợi ích từ sự phát triển của Trung Quốc cho các nước. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì chủ nghĩa đa phương, duy trì an ninh và ổn định chuỗi cung ứng - công nghiệp toàn cầu.
Tổng Giám đốc Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh, thế giới cần những cơ chế toàn cầu nhanh hơn và hiệu quả hơn để cung cấp các biện pháp xử lý nợ cho các quốc gia. IMF sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc để ngăn chặn khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển.
Một phiên thảo luận tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023. (Ảnh: CGTN)
Châu Á được dự báo là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu năm 2023. Theo IMF, Trung Quốc sẽ chiếm hơn 1/3 mức tăng trưởng toàn cầu năm nay.
Trong bốn ngày diễn ra từ ngày 28 - 31/3, các hội thảo xoay quanh bốn chuyên đề lớn gồm "Phát triển và Toàn diện," "Hiệu quả và An ninh," "Khu vực và Toàn cầu" cùng "Hiện tại và Tương lai". Tại những hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, Trung Quốc và các nước trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hợp tác ngày càng hiệu quả, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với khối chiếm đến hơn 30% tổng giá trị thương mại của Trung Quốc năm 2022.
Các chuyên đánh giá, châu Á trở thành trung tâm tiêu thụ mạnh toàn cầu. Do đó, các chuỗi giá trị sản xuất dự báo cũng sẽ thay đổi mạnh để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh ở châu Á.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!