Vì sao biên kịch, diễn viên Mỹ đình công?
Kể từ năm 1960 đến nay, cả hai Hiệp hội biên kịch và diễn viên Mỹ mới cùng đình công một lúc với nhau, họ cũng có cùng một đối thủ đó là Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình. Đó là vấn đề thù lao và điều kiện làm việc trong thời đại dịch vụ phát trực tuyến (streaming) lên ngôi trong khi nguồn thu truyền hình giảm.
Khi những gương mặt nổi tiếng ở Hollywood cũng xuất hiện trong đám đông đình công đó là vì họ cũng tin tưởng rằng Hiệp hội diễn viên và biên kịch Mỹ cần một hợp đồng làm việc công bằng hơn - theo họ, đó là không được trả thù lao thấp, giảm số người làm, giảm tiền trả cho việc tái sử dụng sản phẩm và giải quyết một số các tồn tại khác nữa, đặc biệt là phải quản lý chặt việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Evan Shafran - Thành viên Hiệp hội diễn viên Mỹ cho biết: "Số tiền các công ty sản xuất kiếm được chỉ trong một đêm đủ để nuôi tất cả những người đang biểu tình ở đây trong nhiều năm. Họ kiếm được nhiều tiền kinh khủng. Lòng tham của họ thật ghê sợ".
Hai lực lượng tạo nên sự thành công của Hollywood nhờ khả năng sáng tạo nay trở nên lo ngại AI sẽ sáng tạo thay họ.
Các cuộc biểu tình của diễn viên và biên kịch Mỹ đang diễn ra ở Hollywood gây tổn hại cho ngành công nghiệp điện ảnh. Ảnh: BBC
Ông Freddy Bouciegues - Nhà điều phối diễn viên đóng thế - Bang California, Mỹ: "Rồi sẽ đến một tương lai gần mà AI chắc chắn sẽ là một mối đe dọa. Chúng ta sẽ thấy số người này giảm từ 40 xuống 10, xuống 2, có khi chẳng còn ai nữa. Toàn bộ sẽ là đồ họa máy tính, hay bất cứ cái gì mà AI tạo nên".
Bà Ellen Stutzman - Nhà đàm phán chính, Hiệp hội biên kịch Mỹ: "Ngày nào cũng có tin mới về AI. Không có gì nghi ngờ là những thứ đó sẽ tiếp tục phát triển, ngay bây giờ, một số thành viên của chúng tôi đã gọi chúng là các cỗ máy đạo văn, chúng không thể có chỗ trong ngành biên kịch".
AI có thể là mối đe dọa chưa thực sự tới, nhưng các dịch vụ phát trực tuyến (streaming) thì đang gây đau đầu hàng ngày cho các biên kịch, diễn viên rồi.
Anh Michael Spellman - Diễn viên - TP Los Angeles, Mỹ: "Tôi phải nói rằng khi bạn nhìn thấy các diễn viên kêu ca thì bạn hay nghĩ rằng đó chỉ là những ngôi sao đang đòi thêm tiền. Nhưng không phải đâu, hầu hết mọi người không nhận thấy rằng chỉ 13% trong số chúng tôi kiếm đủ tiền để mua bảo hiểm, các ngôi sao chỉ chiếm 0,02% trong số chúng tôi thôi".
Các lực lượng đình công muốn đạt được gì? Hiệp hội biên kịch Mỹ yêu cầu phải được tăng thù lao tối thiểu ở mọi hình thức phân phối sản phẩm, tăng tiền trả cho việc tái sử dụng sản phẩm, tăng thù lao biên kịch các bộ phim truyền hình từ tiền kỳ đến hậu kỳ, tăng tỷ lệ đóng góp vào quỹ tiền hưu và bảo hiểm y tế, nâng tiêu chuẩn nghề nghiệp và các biện pháp bảo vệ biên kịch... Hiệp hội diễn viên Mỹ cũng có nhiều yêu sách tương tự.
Người ủng hộ SAG-AFTRA và WGA đi dọc hàng rào Paramount Studios ở Los Angeles vào ngày 20/7/2023. Ảnh: Bloomberg
Ảnh hưởng của đình công đến Hollywood
Cuộc đình công của các biên kịch Mỹ đã sắp bước sang ngày thứ 107, Hiệp hội diễn viên Mỹ thì bắt đầu đình công từ 14/7, tức là đã được 34 ngày. Các cuộc đình công này vẫn chưa thấy hồi kết, hệ lụy thì đã có thể nhìn thấy rõ ràng là ảnh hưởng đến kế sinh nhai của không ít người, dừng việc sản xuất của một số chương trình truyền hình, các bộ phim và các dịch vụ phụ trợ.
Lễ trao giải Emmy lần thứ 75 cũng là một trong số những sự kiện bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công. Ban đầu lễ trao giải dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/9/2023, nhưng buộc phải dời sang ngày 15/1/2024, bởi các cuộc đình công kép khiến các diễn viên và biên kịch không thể thực hiện các cuộc phỏng vấn, các chương trình quảng cáo... Thậm chí, những người làm các công việc hậu cần như chuyên gia về trang phục, tóc, trang điểm và móng tay cho biết, họ sợ mất nhà cửa và các gói bảo hiểm y tế.
Trong cửa hàng giặt khô của mình gần hãng phim Warner Bros và Disney, Tom Malian tuyệt vọng nhìn băng chuyền hầu như không còn áo sơ mi, áo khoác và quần - vốn của các nhân viên hai đoàn phim sử dụng dịch vụ ở đây như trước cuộc đình công. Cuộc đình công đã dọn sạch các văn phòng và cơ sở xung quanh Burbank, ngoại ô Los Angeles.
Ông Tom Malian - Chủ tiệm giặt là, TP Los Angeles, Mỹ: "70% công việc kinh doanh của tôi đến từ các hãng phim. Tại thời điểm này, chúng tôi đang gặp khó khăn và tôi hy vọng họ sẽ ngồi vào bàn đàm phán và cùng tìm được tiếng nói chung. Công việc kinh doanh và nhân viên của tôi đang lâm vào khó khăn và không dễ để thu hút nhân viên trở lại khi họ đã bỏ việc".
Các nhà biên kịch và diễn viên tham gia biểu tình bên ngoài trường quay Paramount ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AP
Trong những ngày này, ông Malian đã rút ngắn thời gian mở cửa, cắt giảm chi phí nhân sự, nhưng vẫn không đủ để duy trì hoạt động của cửa hàng.
Ông Kekoshrow Radji - Đồng sở hữu dịch vụ cung cấp bữa ăn, TP Los Angeles, Mỹ: "Như bạn thấy ngay bây giờ, chúng tôi không làm việc. Đã gần ba tháng rưỡi, bốn tháng không hoạt động rồi. Và vấn đề là tất cả nhân viên, họ không làm việc nữa. Mỗi người có khoảng bốn hoặc năm người trong mỗi gia đình phải nuôi. Tôi từng có 60 đến 70 nhân viên, giờ thì họ chỉ có thể ngồi ở nhà. Mọi người đều đau khổ vì cuộc đình công này".
Hệ quả đối với các ngành nghề kéo theo còn nghiêm trọng hơn khi những vấn đề này xảy ra lúc các doanh nghiệp đang nỗ lực ổn định lại cuộc sống, sau vài năm chịu tác động vì đại dịch COVID-19. Nhưng ngay cả khi các hãng phim và các nền tảng phát trực tuyến sớm đạt được thỏa thuận với Hiệp hội biên kịch Mỹ và Hiệp hội diễn viên Mỹ, thì cũng sẽ thời gian để quy trình sản xuất trở lại bình thường.
Khả năng chấm dứt đình công
Để tìm tiếng nói chung, Liên minh các nhà sản xuất phim đề nghị họp với Hiệp hội biên kịch Hollywood nhằm đưa ra những giải pháp để giải quyết vấn đề ở thời điểm hiện tại. Phía biên kịch vẫn chưa trả lời và dự định sẽ phản hồi vào ngày 18/8.
Slogan AI không tốn tiền nuôi con nhỏ khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Cụ thể, Liên minh các nhà sản xuất phim đã đưa ra nhiều đề xuất liên quan tới những vấn đề chính mà các biên kịch đưa ra. Trong đó, các hãng phim đã đưa ra phương án đáp ứng nhu cầu của Hiệp hội biên kịch Hollywood về số lượng nhân viên truyền hình tối thiểu. Đề xuất mới được cho là sẽ trao cho những người tổ chức dự án quyền hạn đáng kể để thiết lập quy mô nhân viên, bổ sung ngân sách cho chương trình và các dự án phim.
Các hãng phim cam kết rằng, AI sẽ không được coi là biên kịch theo hợp đồng. Tuy nhiên, Hiệp hội biên kịch đang tìm kiếm sự bảo đảm rằng AI không được sử dụng để cắt giảm tiền lương và tín dụng của các nhân viên.
Sau đề xuất mới, một số biên kịch bày tỏ sự lạc quan về tiến trình đàm phán, hy vọng có thể đạt được thỏa thuận công bằng và có lợi cho các nhà biên kịch nhằm sớm trở lại với công việc, kết thúc cuộc đình công kéo dài.
Trong lúc này, Hiệp hội đạo diễn Mỹ lại vừa đạt được thỏa thuận lao động mới với chính Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình. Thỏa thuận này cũng bao gồm những gì mà các biên kịch, diễn viên đang đòi hỏi: Đó là tăng lương, tăng tiền trả cho việc phát lại sản phẩm trên các nền tảng phát trực tuyến toàn cầu, đảm bảo an toàn và quyền sáng tạo, loại AI tạo sinh khỏi các công việc mà các đạo diễn có thể làm. Còn cuộc đình công của các biên kịch, diễn viên thì chưa ai thấy được lúc nào là hồi kết. Có thông tin cho hay, chiến lược của Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình là cố thủ cho đến khi những người đình công hết tiền, buộc phải trở lại làm việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!