Học sinh chặn lối vào của trường trung học Lycee Montaigne trong khuôn khổ ngày đình công toàn quốc ở Paris, Pháp, ngày 18/10. (Ảnh: Reuters)
Cuộc đình công toàn quốc này đã đặt Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước một trong những thách thức khó khăn nhất kể từ khi ông tái đắc cử vào tháng 5 năm nay.
Cuộc đình công, chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực công cộng như giáo dục và giao thông, là một phần mở rộng của đợt đình công kéo dài trong nhiều tuần nay, gây gián đoạn hoạt động của các nhà máy lọc dầu lớn tại Pháp, khiến nguồn cung nhiên liệu của các trạm xăng dầu bị rối loạn.
Các nhà lãnh đạo công đoàn hy vọng, công nhân sẽ được tiếp thêm năng lượng trước quyết định của Chính phủ Pháp, theo đó buộc nhiều lao động quay lại làm việc tại các kho xăng dầu, một động thái mà một số người cho rằng có thể gây nguy hiểm cho quyền đình công.
Ô tô xếp hàng dài chờ đổ xăng khi nguồn cung xăng bị gián đoạn bởi các cuộc đình công trong nhiều tuần ở Pháp, ngày 17/10. (Ảnh: Reuter
Đáng chú ý, liên minh CGT đã kêu gọi tiếp tục đình công sang tuần thứ tư tại TotalEnergies, mặc dù tập đoàn xăng dầu này đã đạt được một thỏa thuận bao gồm mức tăng 7% lương và tiền thưởng vào ngày 14/10 với các công đoàn khác. CGT đang yêu cầu tăng lương 10%, với lý do lạm phát tăng cao và công ty thu được lợi nhuận khổng lồ.
Eurostar (dịch vụ đường sắt cao tốc quốc tế kết nối Vương quốc Anh với Pháp, Bỉ và Hà Lan) cho biết, công ty đang phải tạm dừng một số chuyến tàu giữa London và Paris vì cuộc đình công.
Khi căng thẳng gia tăng trong nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực sử dụng đồng Euro, các cuộc đình công đã lan sang nhiều bộ phận khác của ngành năng lượng, bao gồm cả Tập đoàn Điện lực Pháp ( EDF), khiến công việc bảo trì quan trọng đối với nguồn cung cấp điện của châu Âu sẽ bị trì hoãn.
Một đại diện của liên minh FNME-CGT hôm 17/10 cho biết, các cuộc đình công đang ảnh hưởng đến công việc tại 10 nhà máy điện hạt nhân của Pháp, khiến việc bảo trì tại 13 lò phản ứng bị trì hoãn thêm và sản lượng điện của Pháp giảm tổng cộng 2,2 Gigawatt.
Công nhân đình công tập trung trước nhà máy lọc dầu khổng lồ của Pháp TotalEnergies ở Donges, miền Tây nước Pháp, ngày 12/10. (Ảnh: Reuters)
Trong giao thông công cộng, dự kiến việc lưu thông sẽ bị gián đoạn, bao gồm cả đối với Eurostar, các tuyến xe lửa và xe lửa ngoại ô, cũng như mạng lưới tàu điện ngầm ở thủ đô Paris.
Các công đoàn cũng đã kêu gọi tham gia cuộc đình công hôm 18/10, với khả năng xảy ra gián đoạn việc dạy học ở các trường học và các cơ sở công cộng khác.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết, các cuộc đình công đang diễn ra trong bối cảnh chính trị căng thẳng, khi Chính phủ Pháp chuẩn bị thông qua ngân sách năm 2023 bằng cách sử dụng quyền hạn hiến pháp đặc biệt cho phép họ bỏ qua một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội.
Các cuộc biểu tình được lên kế hoạch trên khắp nước Pháp, với một cuộc biểu tình ở Paris bắt đầu lúc 12h (theo giờ GMT).
Hàng nghìn người đã xuống đường ở Paris hôm 16/10 để phản đối việc giá cả tăng vọt. Lãnh đạo của đảng cực tả La France Insoumise (France Unbowed), Jean-Luc Melenchon, đã diễu hành cùng với người đoạt giải Nobel Văn học năm nay, Annie Ernaux. Ông Melenchon đã kêu gọi tiến hành một cuộc tổng đình công vào ngày 18/10.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!