Doanh nghiệp châu Âu thu hẹp sản xuất

Hồng Quang - Thế Dũng - Đoàn Hà (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 05/06/2023 06:10 GMT+7

(Ảnh minh họa: Emerging Europe)

VTV.vn - Các doanh nghiệp châu Âu đang phải thu hẹp quy mô hoạt động, triển vọng kinh tế của châu lục này được đánh giá là còn nhiều khó khăn.

Đây là tác động từ những rủi ro về triển vọng kinh tế, sự thiết hụt và tăng giá nguồn cung đầu vào sản xuất cũng như những hệ lụy từ khó khăn do đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine.

Chi phí năng lượng cao, lãi suất tăng và những căng thẳng khó lường từ chiến sự ở Ukraine đã khiến thu nhập trước thuế của BASF, Tập đoàn hóa chất hàng đầu của Đức dự kiến giảm 5,2 tỷ Euro trong năm nay. Kinh doanh thua lỗ khiến BASF trong tháng 2 vừa qua đã phải tuyên bố cắt giảm 2.600 việc làm.

Không chỉ có BASF, hãng sản xuất ô tô Ford của Mỹ cũng cắt giảm 3.800 việc làm ở châu Âu. Công ty thiết bị y tế Philips PHG của Hà Lan cắt giảm 6.000 nhân viên.

Bà Lydia Brissy, Giám đốc Nghiên cứu thị trường châu Âu, Công ty dịch vụ bất động sản Savills, nói: "Hoạt động đầu tư sẽ vẫn trầm lắng ở châu Âu cho đến nửa cuối năm, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi dần. Khối lượng đầu tư bất động sản ở châu Âu vào năm 2023 sẽ nằm trong khoảng từ 330 tỷ - 340 tỷ Euro, giảm 17 - 20% so với cùng kỳ năm 2022".

Doanh nghiệp châu Âu thu hẹp sản xuất - Ảnh 1.

(Ảnh: PV Magazine)

Khảo sát mới nhất của Ngân hàng trung ương châu Âu được thực hiện cuối tháng 4 vừa qua cho thấy, nhu cầu vay vốn cho đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp ở khu vực Eurozone trong quý I giảm 38%, trong khi các ngân hàng lại siết tín dụng đến 27%.

Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), triển vọng kinh tế châu Âu còn nhiều khó khăn.

Ông Pierre Olivier Gourinchas, chuyên gia Kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết: "Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu, không chỉ với các nền kinh tế tiên tiến mà với cả các nền kinh tế đang phát triển. Những thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế tiên tiến, nhưng triển vọng tăng trưởng trong 5 năm tới không được như 10 năm trước".

Kinh tế châu Âu và các ngành sản xuất công nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức, từ lạm phát, thắt chặt tiền tệ đến nhu cầu bên ngoài yếu và sự bất ổn chung. Ngân hàng trung ương châu Âu dự báo, nhu cầu vay vốn để đầu tư của doanh nghiệp châu Âu trong quý II năm nay còn tiếp tục giảm dù mức giảm thấp hơn quý I.

Kinh tế châu Âu phục hồi tích cực Kinh tế châu Âu phục hồi tích cực Kinh tế châu Âu có triển vọng “thoát hiểm” Kinh tế châu Âu có triển vọng “thoát hiểm” Kinh tế châu Âu có thể thoát suy thoái Kinh tế châu Âu có thể thoát suy thoái

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước