Tại châu Âu, từ hơn 30 năm nay, mỗi khi có một mặt hàng nông sản nào đó dư thừa khiến giá xuống thấp, Liên minh châu Âu (EU) sẽ bỏ tiền ra mua trữ lại, để giá không bị đẩy xuống thấp, giảm thiệt hại cho nông dân. Số nông sản ấy sau đó được chuyển miễn phí cho các tổ chức từ thiện phi lợi nhuận trên khắp châu Âu, thông qua mô hình ngân hàng thực phẩm.
Cách làm này không những giúp được nông dân, mà còn giúp các gia đình nghèo đỡ tiền mua thực phẩm hàng ngày.
Ghi nhận tại Bỉ, hàng ngày ông Jafar (tình nguyện viên) lái xe tải tới 3 siêu thị đã hẹn trước, để lấy các sản phẩm mà siêu thị vừa rút ra khỏi kệ. Đó là thực phẩm tươi sống vẫn còn dùng tốt, nhưng sắp hết hạn sử dụng, hoặc còn lẻ loi vài ba sản phẩm không bõ bày tiếp trên kệ hàng.
Điểm đến tiếp theo của ông Jafar là tổng kho ngân hàng thực phẩm. Tại đây có đủ thứ thực phẩm khô, bột mỳ, rau củ đóng hộp, thịt hộp, dầu ăn, cà phê hay sữa, có hạn sử dụng còn rất dài. Đó là hàng hóa mà các nhà máy sản xuất dư thừa, mang cho để khỏi tốn chi phí kho bãi, hoặc nông sản do Liên minh châu Âu bỏ tiền ra mua nhằm trợ giá cho nông dân.
Thực phẩm tươi sống và nông sản đóng hộp được chuyển hàng ngày tới các tổ chức từ thiện tư nhân. Chính phủ các nước châu Âu không chi ngân sách công cho hoạt động này, mà chỉ hỗ trợ ngân hàng thực phẩm và các tổ chức từ thiện bằng luật thuế.
Năm 2016, 13.000 tấn thực phẩm, trị giá tới 35 triệu Euro đã được thu hồi trên toàn nước Bỉ rồi chuyển về cho các Ngân hàng thực phẩm.
Cùng với thực phẩm khô từ quỹ của Liên minh châu Âu, tổng cộng hơn 12 triệu suất ăn đã được phân phát miễn phí trong năm tới 138.000 người dân Bỉ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!