Đối đầu Nga - phương Tây vẫn không ngừng tăng nhiệt

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 25/04/2021 10:13 GMT+7

VTV.vn - Nga cảnh báo sẽ có những động thái cứng rắn nếu phương Tây vượt qua "lằn ranh đỏ".

Dai dẳng xung đột Nga - Ukraine

Cuộc sống thường nhật tại vùng Donbass, miền Đông Ukraine luôn trong trạng thái bất an những ngày gần đây. Đã 8 năm trôi qua kể từ khi các lực lượng ly khai tuyên bố thành lập 2 nước độc lập là Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Lugansk. Nhưng đến nay, tình hình vẫn luôn căng thẳng, xung đột nóng chực chờ. Chưa khi nào, người dân nơi đây thực sự cảm nhận được hai từ "hòa bình".

"Tôi muốn tin vào hòa bình nhưng tôi đang tự hỏi khi nào thì hòa bình mới đạt được" - ông Galina Boldreva, một người dân Donetsk cho biết.

Đối đầu Nga - phương Tây vẫn không ngừng tăng nhiệt - Ảnh 1.

Xe tăng Ukraine tập trận gần biên giới với Nga trong tháng 4 (Ảnh: Reuters)

Nhìn lại lịch sử, xung đột Nga - Ukraine đã tiềm ẩn từ lâu. Kể từ khi Liên bang Xô Viết tan rã và Ukraine tuyên bố độc lập, Ukraine đã qua 6 đời Tổng thống. Do lập trường chính trị và chính sách ngoại giao khác nhau giữa các nhà lãnh đạo, cộng thêm với đòi hỏi lợi ích và yếu tố can thiệp của phương Tây, quan hệ song phương thăng trầm với xu hướng là xấu đi.

Các nước phương Tây tìm mọi cách lôi kéo Ukraine, thực hiện "cách mạng màu" ở quốc gia này. Tại Ukraine, một số nhà lãnh đạo thân thiết với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng tìm cách dựa vào phương Tây, tích cực theo đuổi gia nhập NATO và EU. Về các vấn đề như đường ống dẫn khí đi qua lãnh thổ Ukraine, Hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại Crimea và phân định biên giới, Kiev nhiều lần tranh cãi quyết liệt với Moskva, dẫn đến quan hệ song phương rơi vào bế tắc trong thời gian dài, tranh chấp thỉnh thoảng lại bùng phát.

Tháng 3/2014, Quốc hội Crimea tuyên bố tách khỏi Ukraine, gia nhập Nga. Sau sự kiện Crimea, quan hệ Nga - Ukraine trở nên phức tạp hơn, mâu thuẫn gay gắt hơn.

"Các sự kiện năm 2014 để lại nhiều bài học. Nhưng không may, trong trường hợp này, chúng tôi thấy rằng, các nhà lãnh đạo Ukraine không rút ra được bài học nào khi tiếp tục kích động xu hướng chống Nga" - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho rằng: "Chúng tôi phải đối mặt với thời kỳ leo thang do chính quyền Nga bắt đầu. Đây không phải là năm đầu tiên hay năm thứ hai khi Nga triển khai quân đội sát biên giới Ukraine. Và chúng tôi sẽ sẵn sàng ứng phó".

Vượt xa phạm vi của mối quan hệ hai nước

Xung đột giữa hai nước gần đây leo thang khi Ukraine tăng cường các nỗ lực gia nhập NATO, công bố các kế hoạch tập trận với NATO trên lãnh thổ nước này trong năm 2021. NATO cũng có kế hoạch thực hiện cuộc tập trận quân sự lớn nhất 30 năm qua có tên Defender Europe 2021 ngay tại các khu vực giáp Nga. Điều này đã khiến Nga ngay lập tức có các hành động đáp trả với việc triển khai các lực lượng quân sự giáp biên giới Ukraine.

Quan hệ Ukraine - Nga vượt xa phạm vi của mối quan hệ hai nước, với nhiều tình huống trên thực tế là cuộc đọ sức giữa Nga và phương Tây. Với cáo buộc Nga leo thang căng thẳng, Mỹ tuyên bố áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, từ các biện pháp trừng phạt kinh tế cho các hạn chế về ngoại giao.

"Mục tiêu của chúng tôi là áp đặt các trừng phát đối với các hành động không thể chấp nhận được của Chính phủ Nga. Một số biện pháp trừng phạt được thực hiện với sự phối hợp của các đối tác và đồng minh của Mỹ ở châu Âu" - bà Jen Psaki, người phát ngôn của Nhà Trắng, nhấn mạnh.

Dù đã có những động thái hạ nhiệt khi Nga đã rút lực lượng quân sự sau khi kết thúc tập trận và lãnh đạo các bên đều tuyên bố sẵn sàng đối thoại tìm giải pháp hòa bình giải quyết xung đột song một số chuyên gia nhận định, xung đột Nga - Ukraine dễ đẩy khu vực vào một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới.

Nga cảnh báo phương Tây không nên vượt qua "lằn ranh đỏ"

Dập tắt một cuộc xung đột luôn luôn dễ hơn khơi mào nó. Nhất là trong bối cảnh xung đột Ukraine và Nga hiện nay, sự can thiệp của Phương Tây trở thành một yếu tố khó lường, khiến Kiev không thể trở thành một bên quyết định cuộc đối thoại. Những căng thẳng gia tăng trong vài tuần qua như một lời nhắc nhở rằng xung đột Nga - Ukraine vẫn là một trong những vấn đề địa chính trị quan trọng nhất trên thế giới hiện nay. Không ai muốn bước qua lằn ranh đỏ để nổ súng vào nhau. Nhưng bên nào sẽ quyết định việc hạ nhiệt?

Trong tuần qua, Tổng thống Nga Putin đã có thông điệp liên bang. Trong đó, phần về đối ngoại rất ngắn gọn nhưng thẳng thắn về quan điểm của Nga trong những căng thẳng gần đây với Ukraine, những điểm nóng khu vực và căng thẳng với các nước phương Tây.

Đối đầu Nga - phương Tây vẫn không ngừng tăng nhiệt - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra thông điệp trước Quốc hội liên bang (Ảnh: AP)

Hầu như tất cả các hãng truyền thông hàng đầu thế giới, ngay cả khi chưa kết thúc phần thông điệp của Tổng thống Nga Putin trước Quốc hội liên bang, đã bắt đầu trích dẫn và thừa nhận, nhà lãnh đạo Nga đang có lập trường cứng rắn hơn đối với phương Tây.

Putin cảnh báo Phương Tây không được vượt qua "lằn ranh đỏ" với Nga" - nhiều tờ báo Mỹ và phương Tây ngay lập tức đã đưa dòng tít này như một nội dung chính của thông điệp từ nước Nga gửi đến cộng đồng quốc tế. Tạp chí Forbes nhấn mạnh, "Putin đe doạ sẽ có phản ứng "không cân xứng, nhanh chóng và rất mạnh" nếu các nước khác vượt qua "lằn ranh đỏ" trong quan hệ với Nga.

Tờ New York Times cũng nhận định về một "thông điệp đầy rẫy mối đe dọa đối với phương Tây". Những tuyên bố của ông Putin trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội cho thấy, nhà lãnh đạo Nga đang có đường lối cứng rắn hơn đối với các đối thủ của mình.

"Kẻ thù của Nga sẽ hối tiếc" - một bài báo trên tờ Elpais của Tây Ban Nha đã bắt đầu với câu từ này khi nói về thông điệp của Tổng thống Putin năm nay và đương nhiên tô đậm "những lời đe doạ đối với phương Tây". Tờ báo này không quên nhấn mạnh đến việc ông Putin không muốn "đốt cầu" và có ý định "có quan hệ tốt với tất cả các thành viên trong cộng đồng quốc tế".

Báo chí trong nước Nga tỏ ra không ngạc nhiên với thông điệp đanh thép của người đứng đầu Điện Kremly, khi mà trước đó chỉ vài ngày Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải vạch ra "những lằn ranh đỏ rõ ràng" với Nga và cấm vận không vẫn chưa đủ. Với thông điệp liên bang của Tổng thống Putin, Nga mới là nước quyết định đâu là "lằn ranh đỏ".

Theo Người phát ngôn Điện Kremly Dmitry Peskov, "lợi ích của nước Nga, lợi ích an ninh trong và ngoài nước, việc ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài vào các cuộc bầu cử hay cả các vấn đề chính trị nội bộ khác" chính là những "lằn ranh đỏ" mà Tổng thống Vladimir Putin đã vạch ra trong thông điệp gửi Quốc hội liên bang.

Những gì đang diễn ra trong quan hệ giữa Nga và Ukraine, Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu gợi nhớ về bầu không khí chiến tranh lạnh. Nhưng Tổng thống Nga Putin cũng như các quan chức ngoại giao Nga luôn muốn hạ thấp nguy cơ đối đầu. Cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn đã kết thúc. Những căng thẳng gần đây ở khu vực đã gửi đi thông điệp rằng, đi giữa lằn ranh đỏ là hành động rất mạo hiểm. Không thể dùng vũ lực để giải quyết vấn đề ở miền Đông Ukraine và Krym. Còn sự can thiệp của các nước phương Tây thông qua NATO sẽ chỉ như đổ thêm dầu vào lửa, khiến đối đầu thêm trầm trọng. Có những giới hạn được đặt ra để tránh tình hình rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Hy vọng là những người lãnh đạo ở Kiev, Moscow, Washington và cả EU hiểu điều đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước