Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do mưa lớn và dư chấn động đất. (Ảnh: AP)
Trận động đất mạnh 6,2 độ diễn ra vào ngày 15/1 trên đảo Sulawesi đã khiến ít nhất 73 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị mất nhà cửa.
Máy xúc và cần cẩu đã được triển khai trên khắp thành phố biển Mamuju bị tàn phá bởi trận động đất, nơi các tòa nhà, bao gồm cả bệnh viện và văn phòng Thống đốc bị hư hại hoặc đổ sập. Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể còn bao nhiêu người, đã chết hay sống sót dưới những đống đổ nát sau trận động đất mạnh này.
Ngày 17/1, cảnh sát Indonesia đã triển khai đơn vị tìm kiếm cứu hộ K-9 để hỗ trợ tìm kiếm tại một bệnh viện bị thiệt hại nặng. Nhân viên cứu hộ Octavianto cho biết: “Mưa to, dư chấn sau động đất khiến các tòa nhà vốn đã bị hư hại có thể sụp đổ vào bất cứ lúc nào. Các nạn nhân được tìm thấy đều đã tử vong”.
Con số nạn nhân thiệt mạng sau trân động đất đã tăng lên 73 người. (Ảnh: AP)
Hầu hết nạn nhân được tìm thấy ở Mamuju, thành phố có 110.000 dân tại tỉnh Tây Sulawesi. Các nhà chức trách Indonesia chưa đưa ra con số cụ thể có bao nhiêu người sống sót đã được giải cứu. Hàng nghìn người đã bị mất nhà cửa do trận động đất, phải đến những địa điểm trú ẩn tạm thời, ở trong lều bạt chứa nhiều người.
Người dân cho biết, họ đang cạn kiệt thức ăn, thiếu chăn màn và các đồ dùng thiết yếu khác. Hiện các nguồn viện trợ khẩn cấp đang được vận chuyển đến những vùng chịu thiệt hại nặng nề bởi trận động đất. Nhiều người sống sót không thể trở về ngôi nhà đã bị phá hủy của họ, hoặc họ quá sợ hãi để quay lại nhà của mình vì lo ngại xảy ra sóng thần bởi các dư chấn thường diễn ra sau những trận động đất mạnh.
Nố lực tìm kiếm cứu hộ nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát. (Ảnh: AP)
Indonesia với gần 270 triệu dân đã phải hứng chịu một loạt thiên tai trong tuần qua. Lở đất do những trận mưa xối xả đã khiến ít nhất 32 người trên đảo Java thiệt mạng. Hàng chục người đã tử vong hoặc mất tích sau khi lũ lụt nghiêm trọng "tấn công" khu vực Sulawesi, Kalimantan và Borneo. Núi lửa Semeru đã phun tro bụi khoảng 4,5km lên bầu trời vào đêm 16/1, dung nham chảy xuống từ miệng núi lửa này. Hiện chưa có báo cáo về thương vong sau khi núi lửa phun trào.
Indonesia thường xuyên phải hứng chịu các thiên tai, núi lửa phun trào do nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương. Năm 2018, một trận động đất mạnh 7,5 độ và sóng thần ở Palu, trên đảo Sulawesi đã khiến hơn 4.300 người chết hoặc mất tích. Ngày 26/12/2004, động đất mạnh 9,1 độ xảy ra ở ngoài khơi bờ biển Sumatra đã gây ra một trận sóng thần, khiến 220.000 người thiệt mạng. Đây được coi là một trong những thảm họa tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử Indonesia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!