Dự án mua bán điện đa phương đầu tiên trong ASEAN

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 06/09/2022 06:42 GMT+7

VTV.vn - Dự án mua bán điện đa phương đầu tiên này được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đi mới tăng cường kết nối và chia sẻ tài nguyên điện trong khu vực.

Singapore đã bắt đầu nhập khẩu điện từ Lào thông qua Thái Lan và Malaysia. Đây cũng là lần đầu tiên các nước thành viên ASEAN thực hiện buôn bán điện xuyên biên giới với sự tham gia của 4 quốc gia gồm Lào - Thái Lan - Malaysia và Singapore.

Trong hai năm, bắt đầu từ năm nay, Lào sẽ bán cho Singapore 100 Megawat, chiếm khoảng 1,5% nhu cầu điện cao điểm của Singapore vào năm 2020 và có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 144.000 căn hộ chung cư 4 phòng ở Singapore trong một năm.

Ông Chanthaboun Soukaloun - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Lào cho biết: "Giá dầu mỏ, giá điện tại tất cả các quốc gia và khắp mọi nơi trên thế giới đều đã tăng, nhưng ở Lào giá cả vẫn được duy trì bởi chúng tôi sử dụng năng lượng tái tạo như thủy điện, vì thế chúng tôi không phải mua nhiên liệu để vận hành các nhà máy điện nhờ thế giá điện vẫn gần như giữ nguyên. Điều này đã giúp chúng tôi hoàn thành dự án này".

Các chuyên gia cho rằng, thành công của dự án mua bán điện giữa Lào và Singapore cũng cho thấy việc thúc đẩy thương mại nội khối đã không còn phụ thuộc vào những mặt hàng truyền thống.

Dự án mua bán điện đa phương đầu tiên trong ASEAN - Ảnh 1.

Năng lượng tái tạo mà cụ thể là thủy điện cũng có thể là một mặt hàng đầy tiềm năng cho các nước đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước không có chung đường biên giới trong khu vực. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan, đồng thời cũng sẽ giúp các nước ASEAN thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài có thế mạnh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Việc các nước trong khu vực xuất khẩu năng lượng không chỉ mang lại lợi ích cho các nước xuất khẩu mà còn giúp các nước trong khu vực không có nguồn năng lượng tái tạo có thể đảm bảo được năng lượng phục vụ cho đời sống của người dân, duy trì sản xuất công nghiệp, đồng thời giải quyết được những khó khăn trong việc giảm phát thải từ lĩnh vực năng lượng.

Sáng kiến mạng lưới điện ASEAN

Thực tế là từ trước đó, các quốc gia trong khu vực đã có những thỏa thuận mua bán điện song phương với nhau. Malaysia đã triển khai việc mua bán điện với Indonesia, hay Lào cũng đã có những hợp đồng xuất khẩu điện sang Việt Nam và Campuchia. Tuy nhiên, ở cấp độ toàn khu vực, ASEAN đang đặt mục tiêu tham vọng hơn, đó là xây dựng một mạng lưới điện chung của cả ASEAN, gọi tắt là APG.

Dự án mua bán điện đa phương đầu tiên trong ASEAN - Ảnh 2.

Mạng lưới điện ASEAN (APG) mục tiêu là đảm bảo an ninh năng lượng cho toàn khối bằng cách kết nối một mạng lưới điện chung mà thông qua đó, các thành viên có thể chia sẻ khả năng cung cấp, truyền tải điện, nước dư thừa điện sẽ có thể bán cho các nước có nhu cầu giúp mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Với 15 dự án tổng trị giá gần 6 tỉ USD, APG được dự báo sẽ giúp tiết kiệm hơn 650 triệu USD đầu tư mới và chi phí vận hành nếu các thành viên ASEAN có thể chia sẻ khả năng cung cấp, truyền tải điện.

Ông Sontrirat Sontijarawong - Cựu Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan: "Chúng tôi hướng tới một mức giá thấp hơn bởi vì đó là sự hỗ trợ thực sự cho đời sống người dân, cho các doanh nghiệp. Nếu chúng ta có thể chia sẻ tài nguyên và trong tương lai có nhiều năng lượng tái tạo hơn, nó sẽ giúp giảm giá điện".

Dự án mua bán điện đa phương đầu tiên trong ASEAN - Ảnh 3.

Ông Suy Sem - Bộ trưởng Năng lượng và Khai thác mỏ Campuchia: "Việc sử dụng hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo và phát triển năng lượng carbon là cách hiệu quả để góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu thế giới".

Đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng từ cuộc chiến tại Ukraine đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tại ASEAN. Mục tiêu của ASEAN là hướng tới trở thành khu vực đi đầu trong phát triển mạng lưới điện carbon thấp, chính mạng lưới điện ASEAN sẽ là cầu nối tạo điều kiện truyền tải điện tái tạo trong khu vực.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Lào. Đã có 18 hợp đồng được ký kết để mua điện của 23 dự án tại Lào. Nguồn điện từ thủy điện của Lào sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 và hơn nữa, còn có thể sử dụng như điện "nền", giúp Việt Nam khắc phục biến thiên công suất của một số nguồn năng lượng tái tạo, từ đó thúc đẩy chuyển đổi xanh tại Việt Nam.

3 ‘chìa khóa’ để ASEAN vững tin vượt qua những thách thức 3 ‘chìa khóa’ để ASEAN vững tin vượt qua những thách thức

VTV.vn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc vừa trả lời phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ASEAN và 27 năm Việt Nam tham gia ASEAN.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước