Theo Liên đoàn các thành phố du lịch thế giới, việc bùng nổ nhu cầu đi lại vốn bị dồn nén trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành cùng với tăng cường kết nối hàng không và sự hồi phục mạnh mẽ của các thị trường tại châu Á được xem là những yếu tố sẽ củng cố sự hồi phục hoàn toàn của ngành du lịch thế giới trong năm 2024 này.
Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới được công bố mới đây cho thấy số lượt du khách trên toàn thế giới dự báo sẽ lên đến hơn 13.500 tỷ lượt trong năm 2024, phục hồi 103,9% so với mức của năm 2019.
Theo Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc, trong năm 2023 đã có 1,3 tỷ lượt du khách đi du lịch nước ngoài, cao hơn 44% so với năm 2022 và tương đương với 88% con số của năm 2019. Doanh thu từ du khách quốc tế trên toàn cầu trong năm 2023 ước tính sơ bộ đạt 1.400 tỷ USD, tương đương 93% con số của năm 2019.
Cơ quan này nhận định những con số trên cho thấy khả năng phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch với nhiều dự đoán rằng vào cuối năm 2024, lĩnh vực này sẽ đạt như mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát và thậm chí sẽ tăng cao hơn.
Xác định du lịch là "đòn bẩy" đối với tăng trưởng kinh tế, các nước đều chú trọng phát triển "ngành công nghiệp không khói".
Từ đầu năm 2024 đến nay có khá nhiều sáng kiến được đưa ra ở tầm khu vực và quốc gia nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển ngành du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước.
THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH ĐỂ THU HÚT DU LỊCH
Tại châu Á, Thái Lan đã đưa ra một loạt đề xuất thúc đẩy du lịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) liên quan đến khái niệm "Du lịch chất lượng và có trách nhiệm - Duy trì tương lai của ASEAN"; thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm khôi phục và thúc đẩy ngành du lịch của các nước tham gia; cải thiện quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức ASEAN và Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến du lịch.
Ngoài ra, Thái Lan và Malaysia cũng thúc đẩy hợp tác du lịch theo sáng kiến "6 quốc gia, 1 điểm đến" nhằm tăng cường du lịch chung giữa Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.
Ngành du lịch và lữ hành đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong một thế giới bị xáo trộn - từ căng thẳng địa chính trị đến biến đổi khí hậu (Ảnh: The World Economic Forum)
Trong khi đó, các Bộ trưởng Bộ Du lịch Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 2 vừa qua đã nhóm họp để tập trung thảo luận về các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi kép trong lĩnh vực du lịch cả về số hóa và bền vững, cũng như triển vọng về du lịch ở cấp độ châu Âu sau khi EU có các cơ quan lập pháp và hành pháp mới. Với vai trò là quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU, Bỉ cam kết thúc đẩy du lịch như một phương tiện của sự phát triển kinh tế bền vững và duy trì ngành này là một ưu tiên trong chương trình nghị sự châu Âu.
QUÁ TẢI - MẶT TRÁI CỦA DU LỊCH
Mặc dù làn sóng du khách bắt đầu sôi động trở lại là một tin vui cho ngành du lịch cũng như nền kinh tế nói chung nhưng việc quá nhiều du khách đổ xô đến các địa điểm du lịch nổi tiếng lại gây ra hiện tượng quá tải du lịch. Lượng du khách quá đông đã dẫn đến ô nhiễm rác thải, ùn ứ giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cư dân và cả những trải nghiệm của du khách.
Ùn tắc, rác thải, tai nạn leo núi... là cảnh tượng mà hiện ít người có thể liên tưởng đến Phú Sĩ - đỉnh núi cao nhất Nhật Bản, địa điểm vốn từng là điểm trải nghiệm yên bình. Khi núi Phú Sĩ được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 2013, tổ chức này đã cảnh báo về tình trạng quá tải du lịch và tính cấp thiết của việc quản lý du khách. Tuy nhiên, số lượng du khách muốn chinh phục đỉnh núi không ngừng tăng. Theo chính quyền tỉnh Yamanashi, số lượng du khách đến trạm đi bộ đường dài thứ 5 nổi tiếng của ngọn núi đã tăng hơn gấp đôi - từ 2 triệu khách năm 2012 lên hơn 5 triệu khách vào năm 2019.
Cùng với số lượng xe bus và xe tải chở hàng hóa, dòng người leo núi cả ngày lẫn đêm bước qua lớp đá đen của núi lửa trên đường lên ngọn núi cao 3.776 mét thực sự gây "bối rối" cho hệ sinh thái. Bên cạnh đó là những nguy cơ về vấn đề an toàn.
Những vấn đề do quá tải du lịch gây ra đối với người dân địa phương thậm chí đã buộc giới chức thị trấn Fujikawaguchiko quyết định xây vách ngăn để chặn tầm nhìn ra núi Phú Sĩ.
Một trong những điểm du lịch hàng đầu thế giới khác là Venice (Italy) cũng đang phải đối mặt tình cảnh tương tự. Dân số Venice chỉ khoảng 50.000 người nhưng có tới 3,2 triệu du khách đã nghỉ qua đêm tại trung tâm lịch sử này vào năm 2022. Áp lực mùa cao điểm du lịch buộc thành phố phải thu phí vào cửa từ ngày 24/4 cho đến tháng 7. Đây là thành phố đầu tiên trên thế giới thu vé vào cửa nhằm bảo vệ di sản văn hóa và giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đối với cộng đồng địa phương.
Đối với câu hỏi làm thế nào để vừa cân bằng giữa phát triển du lịch lại vừa bảo vệ môi trường, cảnh quan, câu trả lời là hướng tới du lịch xanh. Có thể hiểu đây là loại hình du lịch có trách nhiệm với môi trường tự nhiên; thông qua hoạt động du lịch góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa bản địa; tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. Đây được coi là "kim chỉ nam" cho phát triển du lịch bền vững khi tài nguyên du lịch được khai thác hợp lý, tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!