Cảnh sát đứng gác trên đường phố sau màn bắn pháo hoa mừng năm mới ở Berlin, Đức, ngày 1/1/2025. (Ảnh: AP)
Các quan chức Đức kêu gọi tăng cường kiểm soát pháo hoa tự chế và nhập lậu sau khi ít nhất 5 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương do pháo nổ vào đêm Giao thừa.
Pháo nổ tự chế, đặc biệt là loại Kugelbomben - pháo cầu vốn chỉ dành cho các sự kiện chuyên nghiệp, đã gây ra hàng loạt tai nạn nghiêm trọng. Tại Berlin, 17 người bị thương, trong đó có trẻ em, với các vết bỏng nặng và tổn thương mắt, mặt. Một vụ nổ lớn tại quận Schöneberg đã phá hủy nghiêm trọng nhiều tòa nhà, khiến 36 căn hộ không thể ở được.
Theo nhà chức trách, loại pháo này được nhập lậu từ Ba Lan và Czech, sau đó kết hợp với các vật liệu như lon xịt và ống nhựa để tạo hiệu ứng mạnh hơn. Trên mạng xã hội, các pháo cầu này đã được rao bán trái phép trước Giao thừa.
Cảnh sát dập tắt đám cháy trên đường phố sau màn bắn pháo hoa mừng năm mới ở Berlin, Đức,ngày 1/1/2025. (Ảnh: AP)
Ông Stephan Weh, lãnh đạo liên đoàn cảnh sát GdP tại Berlin, đề nghị cấm hoàn toàn pháo hoa tự chế và siết chặt kiểm soát nhập khẩu trái phép. Burkard Dregger, phát ngôn viên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), kêu gọi các biện pháp mạnh tay hơn tại biên giới và đối thoại với Ba Lan và Czech để ngăn chặn tình trạng này.
Đảng Xanh Đức cũng ủng hộ lệnh cấm bán pháo tư nhân, nhấn mạnh tác động tiêu cực không chỉ đối với con người mà cả động vật và môi trường. Vasili Franco, đại diện đảng Xanh, đặt câu hỏi về ý nghĩa của việc duy trì một đêm pháo hoa với những hậu quả nghiêm trọng như vậy.
Cảnh đổ nát do pháo hoa sau lễ mừng năm mới trong quá trình dọn dẹp, trước Nhà hát Opera Cũ ở Frankfurt, Đức, ngày 1/1/2025. (Ảnh: AP)
Tại Hà Lan, bất chấp lệnh cấm bán pháo cá nhân ở 19 thành phố, hai người thiệt mạng trong các vụ tai nạn liên quan đến pháo nổ. Ở Pháp, bạo loạn đêm Giao thừa dẫn đến 984 xe bị đốt cháy và 420 người bị bắt giữ, theo báo cáo của Bộ Nội vụ nước này.
Các sự cố đầu năm nay đã làm nổi bật nhu cầu cấp thiết phải tăng cường quản lý và cấm pháo hoa tự chế ở Đức và các quốc gia láng giềng. Đây không chỉ là vấn đề an toàn cá nhân mà còn liên quan đến trật tự xã hội và bảo vệ môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!