Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Nga đóng vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, tuyến đường ống cung cấp khí đốt chính cho châu Âu.
Đức hiện đang cố gắng đảm bảo các nguồn khí đốt thay thế nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hụt năng lượng trầm trọng trong những tháng mùa đông lạnh giá, vì nước này đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra ở Ukraine.
Theo dữ liệu từ Cơ sở Hạ tầng Khí đốt châu Âu, mức dự trữ khí đốt của Đức vào ngày 2/9 là khoảng 85%. Như vậy, Đức đã hoàn thành sớm mục tiêu tích trữ khí đốt đạt ít nhất 85% sức chứa vào ngày 1/10. Mốc tiếp theo là 95% vào ngày 1/11.
Thực tế này cho thấy, các công ty và người dân ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang chú ý nhiều hơn đến lời kêu gọi tiết kiệm năng lượng của Chính phủ Đức để vượt qua mùa đông tới. Người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Đức cho biết, mức tiêu thụ khí đốt trong ngành đã giảm 21% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck, viễn cảnh về một mùa đông lạnh giá thiếu khí đốt tạm thời có thể được hạ thấp. Ông Robert Habeck cho biết, nước này đã vượt thời hạn dự kiến để đạt được các mục tiêu tích trữ khí đốt mà Chính phủ đề ra. Diễn biến này đã phần nào hạ thấp nỗi lo của Đức về viễn cảnh thiếu hụt khí đốt khi mùa đông lạnh giá tới.
Chia sẻ với tạp chí Der Spiegel hôm 28/8 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Habeck nói: "Các kho chứa đang được lấp đầy nhanh hơn kế hoạch đề ra".
Năm 2021, khí đốt của Nga chiếm 55% lượng tiêu thụ của Đức, nhưng hiện nay con số này đã giảm xuống chỉ còn 9,5% vào tháng 8/2022. Thay vào đó, nhập khẩu khí đốt từ Na Uy và Hà Lan đang chiếm phần lớn nguồn cung của Đức.
Đức cũng đang kỳ vọng vào các dòng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Pháp để giảm bớt "cơn khát" nhiên liệu trước khi mùa đông tới.
Kho lưu trữ khí đốt của Đức sẽ đóng vai trò như phần đệm cho thị trường đang biến động ở thời điểm hiện tại. Ông Habeck nói thêm: "Các công ty sẽ có thể sử dụng khí đốt từ các cơ sở lưu trữ theo kế hoạch trong mùa đông để cung cấp cho ngành công nghiệp và các hộ gia đình".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!