Theo một tuyên bố của Bộ Nội vụ Đức hôm 11/10, nước này muốn việc trục xuất người di cư, đặc biệt là những người có tiền án tiền sự, trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Nancy Faeser đã trình bày một dự luật mà bà cho rằng sẽ cải thiện khả năng trục xuất những người di cư không có quyền ở lại và giúp việc trục xuất tội phạm nhanh chóng hơn về mặt pháp lý.
"Bất cứ ai không có quyền ở lại Đức đều phải rời khỏi đất nước chúng ta", bà Faeser nói trong tuyên bố.
Các chính trị gia ở Đức, từng được biết đến với chính sách mở cửa vào năm 2015, đã bắt đầu tìm cách hạn chế tình trạng di cư bất thường như một cách để thu hút cử tri trước cuộc bầu cử vào năm 2024, khi số lượng người di cư tăng vọt với mức tăng 78% trong 7 tháng đầu năm nay.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết tại một sự kiện của đảng SPD cầm quyền vào tối 11/10 (theo giờ địa phương) ở Berlin rằng "có quá nhiều" người di cư hiện đang đến Đức.
Ông Olaf Scholz nói: "Đây là vấn đề mà nước Đức phải chứng minh rằng mọi thứ trong tầm kiểm soát" và cần giảm số lượng người đến Đức.
Theo dự luật, những người đang ở trong tù sẽ không còn được thông báo về việc trục xuất và thời gian giữ những người chờ trục xuất sẽ được kéo dài từ 10 ngày lên 28 ngày. Việc trục xuất những người bị kết án ít nhất một năm tù sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Theo dự luật, cơ quan hữu quan Đức có thể khám xét nhà để tìm các thiết bị, dữ liệu và tài liệu, đặc biệt là để làm rõ danh tính của một người, cũng như vào các chỗ ở thuê chung.
Theo tuyên bố, dự thảo luật di cư, vốn đã được thảo luận rộng rãi với chính quyền địa phương và các bang của Đức, sẽ sớm được nội các nước này thông qua.
Tháng 9, Đức đã triển khai những biện pháp kiểm soát biên giới với các nước trong EU, cho rằng việc kiểm tra này là cần thiết để trấn áp những kẻ buôn lậu người trong bối cảnh lượng người đến Đức bất thường ngày càng tăng.
Các nước Trung và Đông Âu khác đã thiết lập những biện pháp kiểm soát biên giới bên trong các địa điểm thường được coi là khu vực đi lại mở.
Di cư, một chủ đề gây tranh cãi, được coi là vấn đề then chốt trong các cuộc bầu cử ở các quốc gia châu Âu, khi khối này đang soạn thảo một hiệp ước di cư mới nhằm sửa đổi các quy định để xử lý những người di cư đến bất thường.
EU đã thắt chặt biên giới bên ngoài và luật tị nạn kể từ khi hơn một triệu người, chủ yếu chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria, đã vượt Địa Trung Hải đến châu Âu vào năm 2015.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!