Emmanuel Macron - Tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử và đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai sau 20 năm

Quang Duy (Nguồn: France 24, The Guardian, Financial Times, Euronews)-Thứ hai, ngày 25/04/2022 10:27 GMT+7

VTV.vn - Với tỷ lệ phiếu bầu đạt được vào khoảng 58,6%, ông Emmanuel Macron đã một lần nữa chiến thắng bà Marine Le Pen để giữ cương vị Tổng thống nước Pháp thêm năm năm nữa.

Năm 2017, ông Emmanuel Macron đã vượt qua bà Le Pen để trở thành Tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp ở tuổi 39. Ông Macron là Tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử và đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai sau 20 năm. Đây là một dấu ấn chói sáng nữa trong sự nghiệp chính trị của nhà lãnh đạo còn khá trẻ tuổi và thể hiện sự tin tưởng của cử tri Pháp khi cho rằng ông là người phù hợp nhất để lãnh đạo đất nước, nhưng trước mắt ông chủ của Điện Elysee là nhiều thách thức hơn bao giờ hết.

Emmanuel Macron - Tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử và đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai sau 20 năm - Ảnh 1.

Tổng thống Emmanuel Macron đứng trước Điện Elysee tại Paris, Pháp - Ảnh AP

Từ vở kịch trung học đến vị Tổng thống Pháp mê ẩm thực Việt Nam

Đó là năm 1993. Sải tay cậu giang rộng, mười ngón tay nắm chặt, gương mặt cậu ngời sáng dưới ánh đèn sân khấu. Emmanuel Macron mới 15 tuổi trong đoạn băng cát sét ghi lại vở diễn của cậu trong vở kịch thời đi học. Cậu tận hưởng từng giây được làm trung tâm chú ý của hàng trăm cặp mắt, trước khi thể hiện câu thoại của mình. Vở kịch mang tên "Ngôn ngữ của hài kịch", một sản phẩm của lớp diễn kịch tại trường phổ thông La Providence Jesuit, thành phố Amiens, miền Bắc nước Pháp. Đây không chỉ là nơi Macron thể hiện tư chất tự tin giữa đám đông, điều cần phải có ở một vị Tổng thống tương lai, mà còn là nơi cậu gặp người vợ sau này, đó là cô giáo Brigitte Trogneux, giáo viên dạy diễn xuất hơn cậu 24 tuổi, đồng thời cũng chính là đạo diễn của vở kịch trên.

"Tôi nhớ rất rõ vở kịch ấy. Sự thể hiện trên sân khấu của anh ấy thật đáng kinh ngạc", bà Trogneux chia sẻ trong phim tài liệu về Macron khi ông mới đắc cử Tổng thống lần đầu tiên.

Emmanuel Macron - Tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử và đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai sau 20 năm - Ảnh 2.

Ông Macron thời còn trên ghế nhà trường - Ảnh: France 24

Năm 17 tuổi, trước khi rời quê nhà Amiens để học tập tại Paris hoa lệ, Macron chia sẻ với giáo viên kịch xuất của mình rằng một ngày, anh sẽ cưới cô. Năm 2007, 14 năm sau khi họ gặp nhau, Macron và Trogneux làm lễ thành hôn, vượt qua những rào cản về định kiến xã hội. Với Macron, không chỉ tình yêu lên ngôi mà điều cần có là sự quyết tâm hơn tất thảy để đạt được những điều mình khao khát, hoàn thành trọn vẹn mong ước của bản thân.

Emmanuel Macron - Tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử và đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai sau 20 năm - Ảnh 3.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte Trogneux - Ảnh: AP

Chàng trai đến từ Amiens mang sự quyết tâm đó theo mình vào sự nghiệp chính trị, cùng với đó là một nền tảng học vấn xuất sắc. Ngoài việc tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia - chuyên ngành thanh tra tài chính, ông Macron còn theo ngành triết học tại Đại học Paris-Quest Nanterre La Defense, cùng với đó là một bằng cử nhân quan hệ công chúng. Nền tảng học vấn giúp ông đảm nhận vai trò cố vấn kinh tế dưới thời Tổng thống Francois Hollande, trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế năm 2014.

Năm 2016, ông từ chức Bộ trưởng để chạy đua vào Điện Elysee. Ông được lòng cử tri Pháp bằng lời hứa hẹn về những cải cách hệ thống phúc lợi, hưu trí, giảm thuế doanh nghiệp, giảm thuế đất địa phương, đề cao khối EU và kêu gọi nước Pháp tập dụng những lời ích của toàn cầu hóa thay vì chống người nhập cư. Trong cuộc tranh cử năm 2017, ông giành đến 66% lượng phiếu bầu của cử tri, vượt qua bà Marine Le Pen để trở thành Tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp ở tuổi 39. Ông cũng là Tổng thống Pháp đầu tiên chưa từng qua quân ngũ.

Emmanuel Macron - Tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử và đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai sau 20 năm - Ảnh 4.

Nhiếp ảnh gia của ông Macron thường xuyên đăng tải những khoảnh khắc phía sau hậu trường lên Instagram - Ảnh: Instagram Soazig de la Moissonnière

Tổng thống Macron hiện tại 44 tuổi, và theo Financial Times, ông vẫn tràn đầy năng lượng như trước khi trở thành Tổng thống, tràn đầy ý tưởng và tham vọng. Ông Macron muốn hàn gắn một nước Pháp chia rẽ, khôi phục lại vị thế của nước Pháp và châu Âu như một trung tâm kinh tế, văn hóa và chiến lược của thế giới.

Ít ai biết rằng ông Macron và vợ rất mê ẩm thực Việt Nam. Một chương trình truyền hình của Bỉ tìm hiểu được ở thời điểm Tổng thống Pháp mới nhậm chức rằng ông duy trì thói quen dùng món ăn Việt Nam vào tất cả thứ Tư trong tuần trong suốt nhiều năm. Niềm đam mê với ẩm thực Việt Nam của Tổng thống Macron đến vào năm 1998 khi ông đến Việt Nam du lịch thời còn là sinh viên. Tổng thống Pháp rất thích món gỏi cuốn tôm, còn bà Trogneux thì mê món nem rán.

Những thách thức chờ đón Tổng thống Macron trong nhiệm kỳ mới

Lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen đã gọi số phiếu 58,6% của Tổng thống Macron là một thắng lợi cho phe đối lập. Đó là bởi, số phiếu ủng hộ vị Tổng thống 44 tuổi đã giảm mạnh. Năm 2017, ông Macron trở thành Tổng thống với 66% phiếu bầu. Nước Pháp dưới thời của Tổng thống trẻ nhất lịch sử đã xuất hiện sự chia rẽ sâu sắc với ảnh hưởng của nhiều sự kiện như phong trào biểu tình "áo vàng", Brexit, đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine. Euronews đã chỉ ra năm thách thức mà Tổng thống Pháp cần phải vượt qua trong nhiệm kỳ mới.

Emmanuel Macron - Tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử và đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai sau 20 năm - Ảnh 5.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow ngày 7/2/2022 - Ảnh: Sputnik

1. Tổng thống Macron cần đạt được đa số sự ủng hộ trong Quốc hội

Tháng Sáu tới sẽ diễn ra kỳ bầu cử Quốc hội tại Pháp. Năm 2017, phe đối lập của ông Macron rệu rã sau thất bại từ cuộc tranh cử Tổng thống. Cuộc bầu cử đã diễn ra rất thuận lợi đối với Tổng thống Pháp trong giai đoạn đó, nhưng ở thời điểm hiện tại, mọi thứ khó đoán hơn rất nhiều. Lãnh đạo phe cánh tả, Jean-Luc Melenchon - người đã về thứ ba ở vòng bầu cử Tổng thống đầu tiên - đang hướng đến chiếc ghế Thủ tướng. Tuy nhiên, cũng như bầu cử Tổng thống, bầu cử Quốc hội tại Pháp cũng chia thành hai vòng và sẽ cho Tổng thống Macron nhiều cơ hội để thu hút sự ủng hộ. Ngoài ra, cánh hữu của bà Le Pen cũng đang xuất hiện sự chia rẽ.

2. Tổng thống Pháp đang thiếu sự ủng hộ trong Quốc hội

Chiến thắng của ông Macron trước bà Le Pen năm nay đến cả từ những lá phiếu để chống lại ứng viên cực hữu, có nghĩa là cử tri muốn ngăn bà Le Pen đến gần ghế Tổng thống chứ không thực sự ủng hộ ông Macron. Chính trị Pháp đang bị chia rẽ thành ba khối: khối thân EU của ông Macron, khối theo chủ nghĩa dân tộc của bà Le Pen và phe cánh tả của ông Melenchon. Mỗi khối nhận được trên dưới 1/3 sự ủng hộ, và một chính phủ phải nhận 2/3 sự phản đối trong Quốc hội sẽ khó có thể vận hành trơn tru.

3. Thay đổi chính sách khí hậu của nước Pháp

Khi vận động tranh cử tại thành Marseille, Tổng thống Macron đã tuyên bố sẽ "đập đi xây lại" chính sách khí hậu mà nước Pháp đang theo đuổi. Tuy nhiên, các nhà vận động môi trường đã đặt dấu hỏi về mục tiêu của ông Macron, khi những vấn đề về môi trường đều không được cả ông và bà Le Pen nhắc đến khi tranh luận trên truyền hình trước vòng hai của kỳ bầu cử vừa rồi.

4. Tham vọng cải cách EU

Tập trung vào châu Âu là một trong những thông điệp chính của ông Macron kể từ khi ông đắc cử Tổng thống vào năm 2017. Tổng thống Pháp muốn thay đổi chính sách thị thực đi lại giữa các nước EU, một mức thuế áp dụng chung trong khối, phát triển công nghệ và tăng cường khả năng bảo vệ giữa các nước trong bối cảnh quân sự. Hướng đến một châu Âu "nhiệt huyết và chiến lược", đây là một chương trình được đánh giá là tham vọng nhưng sẽ phải đối diện không ít thách thức từ chính các nước trong khối EU.

Emmanuel Macron - Tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử và đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai sau 20 năm - Ảnh 6.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev ngày 8/2/2022 - Ảnh: AP

5. Vấn đề Ukraine

Tổng thống Macron ủng hộ những biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga nhưng vẫn chưa cấm việc nhập dầu từ Nga. Tổng thống Pháp vẫn thường xuyên đối thoại với Moscow. Việc vừa cứng rắn vừa mềm lỏng trong quan điểm về vấn đề Nga - Ukraine có thể tạo ra sự bất đồng hướng về Tổng thống Pháp ở cả trong và ngoài nước.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước