Đây là nội dung theo một thỏa thuận ban đầu của EU, dự luật này có thể mở đường cho luật toàn diện đầu tiên trên thế giới liên quan tới điều chỉnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Ủy ban Châu Âu đã bắt đầu soạn thảo Đạo luật AI gần hai năm trước để điều chỉnh công nghệ trí tuệ nhân tạo mới nổi, vốn đã trải qua sự bùng nổ về đầu tư và phổ biến sau khi phát hành chatbot ChatGPT do AI hỗ trợ của OpenAI.
Các thành viên của Nghị viện châu Âu đã đồng ý chuyển dự thảo luật sang giai đoạn tiếp theo, trong đó các nhà lập pháp EU và những quốc gia thành viên sẽ đưa ra các chi tiết cuối cùng của dự luật.
Theo đề xuất, các công cụ AI sẽ được phân loại theo mức độ rủi ro nhận thức được từ tối thiểu đến hạn chế, cao và không thể chấp nhận được. Những lĩnh vực được quan tâm có thể bao gồm giám sát sinh trắc học, truyền bá thông tin sai lệch hoặc ngôn ngữ phân biệt đối xử.
Mặc dù các công cụ có độ rủi ro cao sẽ không bị cấm nhưng người sử dụng chúng sẽ cần phải có tính minh bạch cao trong hoạt động của mình. Các công ty triển khai công cụ AI nói chung, chẳng hạn như ChatGPT hoặc công cụ tạo hình ảnh Midjourney, sẽ phải tiết lộ bất kỳ tài liệu có bản quyền nào được sử dụng để phát triển hệ thống của họ.
"Dự luật được đưa ra nhằm điều chỉnh AI một cách tương xứng, bảo vệ quyền của công dân, cũng như thúc đẩy đổi mới và thúc đẩy nền kinh tế", Svenja Hahn, Phó Nghị viện châu Âu cho biết.
OpenAI do Microsoft hậu thuẫn đã gây ra sự quan ngại và lo lắng trên khắp thế giới khi công bố ChatGPT vào cuối năm 2022. Chatbot này đã trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử, đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng chỉ trong vài tuần.
Cuộc chạy đua sau đó giữa các công ty công nghệ nhằm đưa những sản phẩm AI sáng tạo ra thị trường đã khiến nhiều người lo ngại. Chủ sở hữu Twitter, Elon Musk, đã ủng hộ đề xuất ngừng phát triển các hệ thống dạng này trong sáu tháng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!