EU không đồng thuận về vấn đề người di cư

Quỳnh Chi (T/h)-Thứ bảy, ngày 01/07/2023 18:15 GMT+7

(Ảnh minh họa: AP)

VTV.vn - Các lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được đồng thuận về vấn đề người di cư sau hai ngày họp thượng đỉnh.

Ba Lan và Hungary tiếp tục phản đối đề xuất các nước EU có nghĩa vụ tiếp nhận người di cư, nếu không sẽ phải đóng một khoản phí 20.000 Euro (21.826 USD) cho mỗi người di cư.

Ba Lan và Hungary đã không ủng hộ thỏa thuận này vì lo ngại về hạn ngạch di cư được đề xuất và chi phí tài chính liên quan. Phát biểu tại Brussels sau cuộc họp của Hội đồng châu Âu, lãnh đạo Hungary và Ba Lan coi kế hoạch này là xâm phạm chủ quyền quốc gia và cho rằng, điều khoản này sẽ chỉ khuyến khích các làn sóng người di cư đến châu Âu cũng như tạo điều kiện cho vấn nạn buôn người.

Thủ tướng Ba Lan đã đề xuất một kế hoạch “biên giới an toàn của châu Âu” nhằm ngăn chặn dòng người di cư vào EU cũng như để đáp trả lại chính sách hiện nay của khối, mà yếu tố quan trọng nhất là tăng cường bảo vệ biên giới bên ngoài EU, tiếp đó là tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát của Cơ quan biên phòng của EU để chống lại nạn buôn người trái phép.

Trong tuyên bố được đưa ra vào ngày 30/6 sau hội nghị ở Brussel (Bỉ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, quan điểm của Ba Lan và Hungary đã được ghi nhận, nhưng ông nhấn mạnh rằng “vấn đề di cư là một thách thức đối với châu Âu đòi hỏi phải có một phản ứng chung”.

EU không đồng thuận về vấn đề người di cư - Ảnh 1.

(Ảnh: The Brussels Times)

Dù chưa đạt đồng thuận, các nhà lãnh đạo EU đã bày tỏ "vô cùng thương tiếc" về "những tổn thất sinh mạng khủng khiếp" ở Địa Trung Hải khi người di cư tìm cách vượt đại dương đến châu Âu để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông Michel tái khẳng định, EU cam kết nỗ lực xóa bỏ nạn buôn người và các mạng lưới buôn lậu cũng như giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn tới di cư bất hợp pháp.

Sự thúc đẩy cải cách chủ yếu đến từ các quốc gia ở biên giới bên ngoài của khối, chẳng hạn như Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Malta, những nước đang phàn nàn về tình trạng phải chịu quá nhiều gánh nặng do làn sóng di cư ngày càng gia tăng đến khu vực Địa Trung Hải.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết, kể từ tháng 2, khối này đã đạt được rất nhiều tiến bộ và hiệu quả mà bằng chứng là đa số quốc gia trong EU (25 nước) đã ủng hộ cho các cải cách mới về di cư. Tuy nhiên, việc hai quốc gia là Ba Lan và Hungary tuyên bố không đồng ý với các cải cách này cũng sẽ tạo ra một số ảnh hưởng nhất định việc thông qua chính sách chung của khối.

EU cần hành động khẩn cấp về vấn đề người di cư EU cần hành động khẩn cấp về vấn đề người di cư

VTV.vn - Liên minh châu Âu (EU) cần hành động ngay lập tức để ngăn chặn các vụ người di cư vượt biển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước