Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên đã chịu áp lực lớn khi nhận được gần 1 triệu đơn xin tị nạn trong năm 2022.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ các nước thành viên Liên minh châu Âu, biện pháp hạn chế thị thực vào EU với người dân của những quốc gia từ chối tiếp nhận công dân là người di cư bất hợp pháp vào các nước châu Âu đã được một số quốc gia thành viên châu Âu áp dụng từ năm 2020.
Giới chức châu Âu cho biết, nỗ lực ngoại giao và chính trị của các nước thành viên châu Âu nhằm thúc đẩy việc hồi hương người di cư bất hợp pháp không đem lại kết quả mong muốn là nguyên nhân khiến các nước thành viên phải đề xuất Ủy ban Châu Âu áp dụng quy định hạn chế thị thực ở cấp độ Liên minh.
Theo dự kiến, các nước châu Âu có thể áp dụng biện pháp này vào nửa đầu năm 2023, sau khi thảo luận chi tiết vấn đề này trong Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 2 tới trước khi áp dụng quy định hạn chế thị thực với các nước không tiếp nhận công dân hồi hương.
EU có thể triển khai chương trình thí điểm đẩy nhanh các thủ tục sàng lọc và xin tị nạn cho những người di cư đủ điều kiện và hồi hương ngay lập tức những người không đáp ứng tiêu chuẩn. Liên minh châu Âu cũng lập một danh sách "các quốc gia xuất xứ an toàn" để tăng cường giám sát biên giới trên các tuyến đường qua Địa Trung Hải và Tây Balkan mà người di cư đi qua để đến châu Âu.
Theo thống kê của Ủy ban châu Âu, số người di cư bất hợp pháp vào châu Âu hồi hương thực tế rất thấp. Năm 2021, trong số hơn 340.000 người được yêu cầu hồi hương, chỉ có 21% số người tuân thủ. Đến nay, EU chỉ áp dụng biện pháp hạn chế thị thực với Gambia, khiến công dân nước này xin thị thực Schengen gặp khó khăn và tốn kém hơn. Năm 2021, Ủy ban châu Âu đã đề xuất mở rộng cơ chế này với Bangladesh và Iraq nhưng vẫn chưa triển khai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!