EU xác nhận tiếp cận “kết hợp vaccine", nhiều nước tăng cường hạn chế đi lại ngăn chặn biến thể mới

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ tư, ngày 08/12/2021 06:08 GMT+7

Đến nay, hơn 267,1 triệu người trên toàn cầu đã mắc COVID-19. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 8/12, thế giới có trên 267,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,28 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 50,2 triệu ca mắc và hơn 811.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 58.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Toàn bộ nhân viên làm việc trong khu vực tư nhân ở thành phố New York (Mỹ) sẽ bắt buộc phải tiêm vaccine ngừa COVID-19, theo tuyên bố của Thị trưởng New York Bill De Blasio. Hiện 15 bang của Mỹ đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó bao gồm cả bang New York.

Lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại tại một số nước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã khuyến cáo người dân nước này tránh đi đến Pháp, Bồ Đào Nha, Jordan và Tanzania. Hiện danh sách các nước và vùng lãnh thổ hạn chế đi lại ở cấp độ 4 "nguy cơ rất cao" do CDC Mỹ đưa ra là 83 địa điểm. Cùng ngày, CDC Mỹ cũng bổ sung Andorra, Cyprus và Liechtenstein vào danh sách khuyến cáo hạn chế đi lại cấp độ cao nhất.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 7/12, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,64 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 473.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 615.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,14 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ngày 7/12, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ra thông cáo báo chí cho biết, hai cơ quan này đã chính thức khuyến nghị phương pháp tiếp cận "kết hợp các loại vaccine" đối với việc tiêm chủng ngừa COVID-19 và liều tăng cường. Một số quốc gia thành viên EU, bao gồm cả Bỉ, đã bắt đầu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 khác với vaccine ban đầu để tiêm liều tăng cường. Phương pháp này hiện đã được EMA và ECDC chính thức khuyến nghị.

Nhà virus học người Bỉ, Steven Van Gucht nói: "Những cơ quan chuyên môn về y tế của EU luôn thận trọng hơn một chút trước khi chấp nhận một cách chính thức, thực tế đã cho thấy đây là một chiến lược rất tốt".

Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn ngày 7/12 cho biết, hạn chế người nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU) vẫn cần thiết cho đến khi các nhà khoa học biết thêm về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Phát biểu khi dự cuộc họp của Bộ trưởng Y tế các nước EU tại Brussels (Bỉ), ông Spahn nhấn mạnh: "Cho đến khi chúng ta biết nhiều hơn về biến thể Omicron, chúng ta cần thận trọng và do đó hạn chế đi lại là cần thiết để giữ cho việc nhập cảnh vào châu Âu nói chung và Đức nói riêng ở mức thấp nhất có thể". Các nguồn tin EU cũng xác nhận không có kế hoạch sớm nới lỏng hạn chế đi lại này.

Trước cuộc họp ngày 7/12, quan chức phụ trách y tế EU, bà Stella Kyriakides nhận định, EU đang đối mặt với tình hình dịch bệnh rất thách thức tại tất cả các quốc gia thành viên với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Bà cho biết sẽ kêu gọi các Bộ trưởng Bộ Y tế thúc đẩy việc tiêm vaccine và nếu cần sẽ tăng cường các biện pháp như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Bắt đầu từ ngày 7/12, Chính phủ Anh sẽ áp dụng trở lại quy định yêu cầu người nhập cảnh nước này phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 ngay tại điểm đến. Tất cả du khách từ 12 tuổi trở lên sẽ phải thực hiện xét nghiệm trong vòng 48 giờ trước khi đến Anh. Trước quy định này, người nhập cảnh chỉ cần xét nghiệm PCR vào ngày thứ hai sau khi đến Anh và tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính. Anh đã ghi nhận ít nhất 330 ca nhiễm Omicron tính đến ngày 6/12 vừa qua.

Khu vực Bắc Ireland của Anh cùng ngày đã báo cáo 3 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại đây, tất cả đều liên quan đến hành trình từ các vùng khác của Vương quốc Anh.

Chính phủ Pháp đã thông báo các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn số ca nhiễm mới gia tăng trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 5 đang lây lan ở nước này. Theo đó, Chính phủ Pháp yêu cầu đóng cửa các câu lạc bộ giải trí ban đêm trong 4 tuần, bắt đầu từ ngày 10/12, đồng thời gia hạn quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại trường học, hối thúc các doanh nghiệp khuyến khích nhân viên làm việc từ xa và triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em.

Làn sóng dịch bệnh thứ 5 tại Pháp hiện nay chủ yếu vẫn là do biến thể Delta gây ra, dù nước này đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể mới Omicron (25 ca). Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Veran cho rằng, hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể Omicron nguy hiểm hơn Delta.

Croatia xác nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 ở nước này. Chuyên gia dịch tễ học tại Viện Y tế quốc gia Croatia, ông Bernard Kaic cho biết, hiện vẫn chưa rõ nguồn lây do cả hai trường hợp đều không đi ra nước ngoài gần đây. Nhiều khả năng họ nhiễm biến thể mới tại một cuộc họp có cả khách nước ngoài mà cả hai cùng tham dự.

Cho đến nay, biến thể Omicron đã được phát hiện và lây lan ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

EU xác nhận tiếp cận “kết hợp vaccine, nhiều nước tăng cường hạn chế đi lại ngăn chặn biến thể mới - Ảnh 1.

Croatia đã ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. (Ảnh: AP)

Công ty đường sắt Bỉ (SNCB) đã quyết định hủy 120 chuyến tàu mỗi ngày kể từ ngày 6/12 do ghi nhận nhiều nhân viên mắc COVID-19 hoặc phải cách ly vì COVID-19. Số ca mắc COVID-19 gia tăng trong đội ngũ nhân viên đã khiến SNCB phải bố trí lại kế hoạch chạy tàu nhằm đảm bảo việc đi lại của hành khách bằng cách tăng thêm số lượng toa. Hàng loạt chuyến tàu trọng điểm liên tỉnh và quốc tế nối Brussels với các thành phố của Hà Lan, Đức, Pháp đều bị cắt giảm.

Với việc Chính phủ tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, số lượng khách đi tàu ở Bỉ đã giảm xuống còn 70% so với mức ghi nhận trước đại dịch. Trong tháng 9 và tháng 10, lượng hành khách đi tàu bằng 80% cùng thời điểm năm 2019.

Indonesia sẽ cấm các địa điểm du lịch tổ chức hoạt động mừng năm mới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Tất cả các địa điểm kinh doanh hoặc địa điểm du lịch đều bị cấm tổ chức những sự kiện như diễu hành, đốt pháo và tiệc pháo hoa. Nhà hàng, quán cà phê, quán bar và các địa điểm tương tự được phép hoạt động đến 21h với 50% công suất. Các địa điểm giải trí ban đêm có thể hoạt động đến 24h với 25% công suất và thời gian dùng bữa tại chỗ tối đa 60 phút.

Chính phủ Indonesia đã quyết định hủy bỏ kế hoạch triển khai Lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3 trên toàn quốc.

Ngày 7/12, Bộ trưởng Bộ Điều phối hàng hải và đầu tư kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban xử lý COVID-19 Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, công tác ứng phó với đại dịch COVID-19 đã có những cải thiện đáng kể và hiện dịch bệnh đang được kiểm soát. Theo đó, số ca mắc mới trung bình hàng ngày duy trì ở mức dưới 400 ca; tỷ lệ tiêm chủng mũi vaccine thứ nhất cho người dân trên đảo Java-Bali đã đạt 76% so với chỉ tiêu và 56% đối với mũi vaccine thứ hai. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng cho người cao tuổi cũng được đẩy mạnh.

Trong khi đó, Lào ngày 7/12 ghi nhận 1.378 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và 4 ca tử vong trong 24 giờ qua. Thông báo của Bộ Y tế Lào nêu rõ, số ca mắc COVID-19 tăng 489 trường hợp so với số ca ghi nhận trong ngày 6/12. Trong đó, thủ đô Vientiane ghi nhận số ca cộng đồng tăng 294 trường hợp, tiếp tục đứng đầu cả nước với 557 bệnh nhân. Ngoài ra, tỉnh Vientiane có số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng vọt với 238 trường hợp trong 24 giờ.

Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 82.082 trường hợp, trong đó có 214 người tử vong.

28 trường học ở vùng đô thị Manila, Philippines đã đón học sinh đi học trở lại sau gần hai năm đóng cửa vì COVID-19. Đây là một phần trong kế hoạch của Chính phủ Philippines nhằm mục tiêu mở lại tất cả trường học trên cả nước từ tháng 1/2022. Quyết định tái mở cửa trường học ở vùng đô thị Manila nằm trong hoạt động thí điểm mở lại 100 trường học tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thấp bắt đầu từ tháng 11.

Trong khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao, số ca mắc mới hàng ngày tại Philippines đã giảm mạnh xuống dưới 1.000 trường hợp kể từ ngày 24/11, so với mức cao nhất hơn 20.000 bệnh nhân/ngày hồi tháng 9.

Trung Quốc đang thúc đẩy chiến dịch tham vọng nhằm tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ cho 160 triệu trẻ em nước này vào cuối năm nay, trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện làm dấy lên mối lo ngại toàn cầu. Đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng độ bao phủ vaccine, sớm tiến tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Theo dữ liệu mới nhất của Chính phủ Trung Quốc, 84 triệu trẻ em từ 3-11 tuổi, tương đương 50% số trẻ em trong độ tuổi được phép tiêm chủng, đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trong vòng 2 tuần kể từ khi chiến dịch bắt đầu vào cuối tháng 10. Khi đã tiêm phòng đầy đủ cho 1,1 tỷ người trưởng thành trên tổng số khoảng 1,4 tỷ dân, việc tiêm phòng cho trẻ em được coi là một phần quan trọng của chiến lược tiêm chủng nhằm đạt miễn dịch cộng đồng tại nước này.

Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định siết chặt kiểm soát nhập cảnh đối với những người trở về từ một số khu vực của Mỹ, Australia và Ấn Độ nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

EU xác nhận tiếp cận “kết hợp vaccine, nhiều nước tăng cường hạn chế đi lại ngăn chặn biến thể mới - Ảnh 2.

Nhật Bản siết chặt kiểm soát nhập cảnh nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Omicron. (Ảnh: AP)

Theo đó, kể từ ngày 8/12, các công dân Nhật Bản và người nước ngoài thường trú ở nước này trở về từ 7 bang của Mỹ (gồm Connecticut, Nebraska, Pennsylvania, Massachusetts, Missouri, Maryland và Washington), vùng lãnh thổ thủ đô (ACT) của Australia và bang Maharashtra của Ấn Độ sẽ phải cách ly bắt buộc 3 ngày tại các cơ sở do Chính phủ Ấn Độ chỉ định ngay sau khi nhập cảnh.

Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản yêu cầu những người đến từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ phải cách ly bắt buộc ở các cơ sở do Chính phủ chỉ định trong thời gian từ 3 đến 10 ngày. Đây là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của tất cả các loại biến thể SARS-CoV-2, trong đó có có biến thể Delta.

Phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 7/12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi người dân tiêm mũi vaccine tăng cường trong bối cảnh số ca nhiễm mới, bệnh nặng và tử vong do COVID-19 tại nước này tăng đột biến. Tổng thống Moon Jae-in cũng kêu gọi những người đã tiêm phòng đầy đủ cần đi tiêm nhắc lại.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố cùng ngày ghi nhận, nước này có tổng cộng 36 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 3 trường hợp mới phát hiện ở Seoul. Điều đáng chú ý, các trường hợp này đều là sinh viên nước ngoài đang học tại các trường đại học lớn của Hàn Quốc

Việc tiêm kết hợp 2 loại vaccine ngừa COVID-19 giúp người được tiêm có phản ứng miễn dịch tốt hơn. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành tiêm kết hợp vaccine cho hơn 1.000 tình nguyện viện trên 50 tuổi. Một số người đã được tiêm mũi thứ hai bằng vaccine của Moderna hoặc Novavax 9 tuần sau khi được tiêm mũi đầu tiên bằng vaccine của AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech. Kết quả cho thấy, nếu tiêm kết hợp hai loại vaccine, các kháng thể và phản ứng tế bào T được tạo ra cao hơn so với hai mũi vaccine cùng loại. Các nhà khoa học cho biết, không có bất kỳ vấn đề nào về an toàn khi tiêm kết hợp vaccine COVID-19.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không nên sử dụng huyết tương của người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 để điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ hoặc trung bình. Theo WHO, các bằng chứng hiện nay cho thấy, biện pháp này không giảm nguy cơ tử vong và nguy cơ phải điều trị tích cực, trong khi rất tốn kém.

Huyết tương giai đoạn hồi phục là một loại dịch trong máu của những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, có chứa các kháng thể do cơ thể tạo ra sau khi bị nhiễm bệnh. Đây là một trong các biện pháp chữa trị tiềm năng được nghiên cứu hồi đầu đại dịch.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu đã cho phép sử dụng thuốc điều trị viêm khớp Tocilizumab do Thụy Sĩ sản xuất để điều trị cho những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng cần nhập viện. Thuốc được bán với tên thương mại là RoActemra ở châu Âu, là loại được phê duyệt để điều trị bệnh viêm khớp ở người lớn và trẻ em. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn phản ứng thái quá của hệ miễn dịch khi virus xâm nhập vào cơ thể. Cơ quan Dược phẩm châu Âu khuyến nghị sử dụng loại thuốc điều trị viêm khớp này đối với các bệnh nhân COVID-19 trên 18 tuổi cần tăng cường oxy hoặc thở máy.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới và Mỹ cũng đã phê chuẩn phương pháp điều trị bằng loại thuốc này.

Nhập cảnh vào Anh phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 Nhập cảnh vào Anh phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 Nam giới có nguy cơ làm lây lan dịch COVID-19 cao hơn Nam giới có nguy cơ làm lây lan dịch COVID-19 cao hơn Omicron có thể là lối thoát cho khủng hoảng COVID-19 Omicron có thể là lối thoát cho khủng hoảng COVID-19

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước