Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Đây là nỗ lực mới nhất của mạng xã hội khổng lồ này trong việc ứng phó với nạn thông tin giả trước thềm một cuộc bầu cử quốc gia.
Facebook đã phải chịu áp lực lớn trong việc giải quyết các thông tin sai sự thật vốn đã trở nên nghiêm trọng trong bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, khi nhiều bài viết không chính xác đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng này, cũng như nhiều dịch vụ truyền thông xã hội khác.
Giám đốc chính sách tại Anh của Facebook Simon Milner nêu rõ Facebook đã phát triển các cách thức mới nhằm xác định và loại bỏ các tài khoản giả mạo có thể lan truyền thông tin sai để giải quyết tận gốc vấn đề.
Nỗ lực này dựa trên các chiến dịch mở rộng gần đây của công ty nhằm xác định các thông tin giả và xóa bỏ các tài khoản tự động phát tán các thông tin thương mại, chính trị không chính xác.
Facebook cũng đình chỉ 30.000 tài khoản tại Pháp trước thềm bầu cử Tổng thống vòng 1 ở nước này vào tháng trước. Trước đó, Facebook cũng đăng trên báo Đức một trang tuyên truyền người đọc cách thức phát hiện tin giả.
Trước thềm cuộc tổng tuyển cử sớm ở Anh dự kiến diễn ra ngày 8/6 tới, Facebook đã kêu gọi người dùng tại Anh cảnh giác trước các tựa đề không đáng tin và kiểm tra thêm các nguồn khác trước khi chia sẻ.
Mạng xã hội này khẳng định sẽ xóa các tài khoản giả và ngừng thúc đẩy các bài viết có dấu hiệu đáng ngờ.
Với tiêu đề "Các mẹo phát hiện thông tin giả", quảng cáo Facebook tại Anh đã liệt kê 10 cách để xác định liệu nội dung thông tin có thật hay không, trong đó có việc quan sát kỹ đường link, điều tra nguồn gốc, tìm kiếm những định dạng bất thường và cân nhắc tính xác thực của bức ảnh.
Facebook tuyên bố đã có hành động với hàng chục nghìn tài khoản giả mạo tại Anh sau khi phát hiện được được các mô hình hoạt động như việc thông tin được đăng nhiều lần.
Facebook hy vọng qua đó sẽ làm giảm được sự lan truyền tài liệu không đúng sự thật thông qua các hành động như phát tán thư rác, thông tin sai hoặc nội dung lừa đảo thường được các tài khoản giả chia sẻ.
Trong khi đó, các dịch vụ truyền thông xã hội khác là Twitter và YouTube cũng đang gặp phải áp lực tương tự tại châu Âu khi chính phủ các nước đe dọa sẽ áp dụng luật và mức phạt mới nếu như các công ty này không nhanh chóng gỡ bỏ nội dung cực đoan.
Hiện Facebook đang thuê thêm nhân viên để đẩy nhanh việc gỡ bỏ các video quay cảnh giết người, tự tử và các hành động bạo lực khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!