Facebook có thể chặn việc đăng tin tức trên các nền tảng của mình tại Australia

Huệ Anh-Thứ bảy, ngày 05/09/2020 06:00 GMT+7

Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới với hàng tỷ người dùng (Nguồn: Reuters)

VTV.vn - Do Australia ra dự luật yêu cầu Facebook và Google trả tiền cho các tin tức xuất hiện trên các nền tảng này, Facebook và cả Google đã bắt đầu chuẩn bị phản đòn...

Mỗi ngày trôi qua, World Wide Web dần trở nên lỗi thời...

Facebook mới đây đưa ra lời cảnh báo sẽ chặn người dùng và các cơ quan báo chí tại Australia chia sẻ các thông tin trong nước và quốc tế trên mạng xã hội này và mạng xã hội Instagram, nếu Australia thông qua luật hạn chế hoạt động của Facebook và Google tại nước này. Trước đó, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) đã soạn thảo dự luật yêu cầu hai nền tảng công nghệ này phải trả tiền cho các cơ quan báo chí khi đăng tải tin tức của họ.

Google đã công bố một bức thư ngỏ vào ngày 17/8, ngụ ý rằng công ty này sẽ cắt giảm các dịch vụ của mình tại Australia nếu dự luật được thông qua, đồng thời khẳng định quy định này có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm tìm kiếm miễn phí của người dùng. Google cho rằng quy định mới này "trao cho các công ty truyền thông lớn nhiều đặc quyền và khuyến khích họ đặt ra những yêu cầu phi lý, điều có thể khiến các dịch vụ miễn phí của chúng tôi gặp rủi ro".

Facebook có thể chặn việc đăng tin tức trên các nền tảng của mình tại Australia - Ảnh 1.

Facebook cảnh báo sẽ chặn người dùng và các cơ quan báo chí tại Australia chia sẻ tin tức trên mạng xã hội này và Instagram (Nguồn: The New York Times)

Bằng cách nhắm vào Google, gã khổng lồ về công cụ tìm kiếm thông tin, và Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới với hàng tỷ người dùng, giới chức Australia đang tìm cách tháo gỡ "nút thắt" mà họ gọi là "sự mất cân bằng quyền lực" giữa một bên là các cơ quan báo chí đang vật lộn với sự thoái trào của truyền thông truyền thống với một bên là các ông lớn công nghệ sống bằng quảng cáo trực tuyến đang phát triển với tốc độ vũ bão.

Bộ trưởng ngân khố Australia, ông Josh Frydenberg, khẳng định: "Chúng tôi không lùi bước trước bất kỳ sự ép buộc hay lời đe dọa nào dù chúng có đến từ đâu đi chăng nữa".

Ðộng thái hướng tới việc siết chặt hoạt động của Facebook và Google được chính phủ Australia đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài 18 tháng do ACCC tiến hành. Việc ban hành luật mới này được hi vọng sẽ tạo ra môi trường truyền thông bền vững hơn và bảo đảm các nội dung tin tức gốc được trả tiền.

Nỗ lực của Australia có thể sẽ tạo thêm hàng rào số giữa các quốc gia

Tuy nhiên, nỗ lực này của chính phủ Australia nhằm giảm bớt ảnh hưởng của các công ty công nghệ lại đang được cho là sẽ tạo thêm hàng rào kỹ thuật số giữa các quốc gia. Trung Quốc đã áp đặt các lệnh hạn chế đối với một số công ty công nghệ từ lâu, còn Mỹ mới đây cũng bộc lộ rõ quan điểm sẵn sàng loại bỏ các dịch vụ phổ biến từ các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Hướng đi mới của Australia có thể khiến nhiều thông tin sai lệch bị lan truyền do người dùng mạng khó tìm tin tức từ các nguồn tin hợp pháp hơn trước.

Facebook có thể chặn việc đăng tin tức trên các nền tảng của mình tại Australia - Ảnh 2.

Mỹ đang yêu cầu mạng xã hội TikTok bán mảng hoạt động tại Mỹ cho một doanh nghiệp Mỹ (Nguồn: Reuters)

Will Easton, giám đốc điều hành của Facebook tại Australia và New Zealand, chia sẻ trong một bài blog rằng dự luật của Australia nhắm tới việc bắt Facebook phải trả tiền cho những nội dung mà các cơ quan báo chí đang tự nguyện đưa lên các nền tảng của họ.

Phía Facebook cũng ngầm ngụ ý rằng họ sẽ tiếp tục đầu tư vào việc phát triển dịch vụ tin tức của riêng mình bao gồm việc mở rộng tab Facebook News, một chương trình phải trả phí dành riêng cho ứng dụng Facebook trên điện thoại di động, ra nhiều quốc gia và đối tác trả phí hơn.

Facebook có thể chặn việc đăng tin tức trên các nền tảng của mình tại Australia - Ảnh 3.

Các gã khổng lồ công nghệ đang phải nỗ lực điều chỉnh các sản phẩm thích ứng với từng thị trường (Nguồn: Reuters)

Các nền tảng công nghệ lớn phải tùy chỉnh sản phẩm cho từng thị trường

Trong bối cảnh bị giới chức các nước kiềm chế đà phát triển, các gã khổng lồ công nghệ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh các sản phẩm thích ứng với từng thị trường. Cơ quan cạnh tranh châu Âu đã thành công trong việc yêu cầu Google thay đổi cách họ tiếp cận người dùng hệ điều hành điện thoại thông minh Android. Google cũng đã chấp nhận nhượng bộ tại thị trường Nga theo lệnh của chính phủ nước này.

Vào tháng 8, Robert Thomson, giám đốc điều hành của tập đoàn truyền thông khổng lồ News Corp, cho biết dự luật của Australia là một "bước ngoặt" trên mạng Internet. "Tôi có thể đảm bảo rằng không chỉ các cơ quan chức năng mà cả các công ty truyền thông và nền tảng kỹ thuật số trên khắp thế giới đang theo dõi từng bước đi của Australia".

Facebook lý luận rằng dự luật của Australia đang hiểu sai về mối quan hệ giữa tin tức và mạng xã hội, và rằng các cơ quan báo chí đang được hưởng lợi nhiều từ Facebook hơn là ngược lại. Ông Will Eason chỉ ra rằng đưa tin tức lên Facebook giúp các cơ quan báo chí mở rộng phạm vi tiếp cận và bán được nhiều quảng cáo, lượt đăng ký hơn. "Trong năm tháng đầu năm 2020, chúng tôi đã gửi 2,3 tỉ lần nhấp chuột từ News Feed của Facebook trở lại các trang web tin tức của Australia miễn phí, lưu lượng bổ sung này mang lại khoảng 200 triệu USD cho các cơ quan báo chí tại quốc gia này".

Facebook có thể chặn việc đăng tin tức trên các nền tảng của mình tại Australia - Ảnh 4.

Google phản đối việc dự luật của Australia yêu cầu chia sẻ thông tin về dữ liệu người dùng với các cơ quan báo chí (Nguồn: Reuters)

Cuộc chiến giữa các nền tảng internet và báo chí chưa thấy hồi kết

Trước nay Facebook vốn không có mối quan hệ tốt đẹp với các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí luôn "nhảy dựng" lên mỗi lần Facebook thay đổi thuật toán, làm lưu lượng truy cập của họ sụt giảm. Nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách giữa hai bên thường không triệt để, chẳng hạn như những sáng kiến đăng bài có trả bản quyền, thỏa thuận chia sẻ video và phát trực tiếp các bản tin. Tất cả các sáng kiến này chỉ triển khai được một thời gian.

Google cũng gặp phải vướng mắc với dự luật của Australia ở chi tiết đòi hỏi công ty này phải thông báo trước những lần thay đổi thuật toán cho các cơ quan báo chí. Google cho rằng điều này sẽ giúp các công ty truyền thông chi phối Google để đạt được kết quả tìm kiếm tốt hơn cho nội dung của họ. Google cũng phản đối việc dự luật yêu cầu họ phải chia sẻ thông tin về dữ liệu người dùng với các cơ quan báo chí.

Đây không phải là lần đầu tiên các gã khổng lồ internet bị buộc phải trả tiền cho những tin tức xuất hiện trên nền tảng của họ. Năm 2014, Tây Ban Nha đã thông qua luật yêu cầu các cơ quan báo chí tính phí với Google khi các tít bài của họ hiện trên trang Google News (Google Tin tức) . Google đã đáp lại bằng việc đóng cửa trang Google News tại Tây Ban Nha và gỡ nội dung của các cơ quan báo chí Tây Ban Nha khỏi nền tảng của mình.

Đứng trước khả năng dự luật tại Australia có thể được thông qua, Google đã đăng lên website của họ tuyên bố: "Chúng tôi sẽ phải loại bỏ trên toàn cầu hàng loạt nội dung để chúng không hiển thị khi người Australia tìm kiếm".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước