Triển lãm kéo dài 5 ngày là cơ hội để các nhà sản xuất máy bay giới thiệu những sản phẩm và tiến bộ công nghệ mới nhất. Những cuộc cạnh tranh để giành được các hợp đồng đặt mua máy bay chở khách, máy bay chở hàng và máy bay quân sự mới là rất quyết liệt.
Một vài chữ ký và những cái bắt tay trị giá 13,5 tỷ USD. Hãng hàng không Delta của Mỹ đã đạt thỏa thuận mua 100 máy bay 737 MAX hạng trung của Boeing.
Ông Mahendra Nair - Phó Chủ tịch Hãng hàng không Delta, Mỹ: "Các máy bay này sẽ được bàn giao vào năm 2025, tức là ba năm nữa. Đây là một thỏa thuận mà chúng tôi đã cố gắng thực hiện từ lâu nay".
Thương vụ tỷ đô này là điểm nhấn ngay trong ngày đầu tiên của FIA 2022. Nắng nóng gay gắt ở phía Tây Nam London cũng không ngăn cản rất đông người đổ về đây. FIA 2022 quy tụ hơn 1.500 doanh nghiệp, cùng đại diện của 96 quốc gia và dự kiến đón khoảng 80 nghìn khách tham quan trong 5 ngày.
Ông Jakob Wert - Nhà báo chuyên về hàng không: "Toàn bộ ngành hàng không có mặt ở đây, bạn có các nhà sản xuất máy bay lớn, họ công bố những đơn hàng với các hãng hàng không. Bạn có đủ các nhà cung cấp, General Electric, CFM, Pratt và Whitney. Thật tuyệt khi ngành hàng không lại có thể tụ hội và trao đổi về lĩnh vực này".
Tại FIA 2022, khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới có cơ hội chứng kiến những phát triển mới nhất và các xu hướng tiên phong trong lĩnh vực hàng không. Họ có thể chiêm ngưỡng những mẫu máy bay chở khách tối tân như A350-900 của Airbus hay 777X của Boeing. Các ông lớn hàng không thế giới đều cố gắng khẳng định sức mạnh công nghệ và sự hồi phục mạnh mẽ hậu COVID-19.
Ông Darren Hulst - Phó Chủ tịch Tập đoàn sản sản xuất máy bay Boeing: "Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã chứng kiến thị trường dần mở cửa trở lại khi các hạn chế được dỡ bỏ. Nhu cầu đi lại đang tăng nhanh hơn những gì chúng ta đã nghĩ. Nhìn chung, chúng tôi vẫn tin vào dự báo rằng thị trường sẽ trở lại như trước đại dịch vào năm 2023 hoặc 2024. Nhưng sự tiến triển nhanh chóng của năm nay thật tuyệt vời, nguyên nhân là do nhu cầu bị dồn nén trước đó và cũng do bản chất của vận tải hàng không giúp giao thương, kết nối hàng hóa, dịch vụ và con người thuận tiện hơn".
FIA 2022 diễn ra trong bối cảnh các hãng sản xuất máy bay gặp nhiều khó khăn để đảm bảo tiến độ giao hàng do gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhiều sân bay và hãng hàng không thì chật vật vì thiếu nhân công và giá nhiên liệu tăng cao. Những yếu tố được đánh giá là sẽ ngăn cản đà phục hồi của ngành hàng không quốc tế.
Hướng tới nền hàng không xanh
Một vài từ khóa xuất hiện nhiều nhất tại FIA 2022 đó là Công nghệ xanh, tính bền vững và trung hòa carbon. Nhiều hãng hàng không trên thế giới đang tìm cách thay thế các đội bay già cỗi của mình bằng những máy bay hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu và thải ra ít khí CO2 hơn.
Một chiếc máy bay trực thăng chở khách sử dụng động cơ điện. Đây là sản phẩm của hãng Wisk Aero, một liên doanh của Mỹ được thành lập bởi nhiều công ty, trong đó có Boeing. Mẫu máy bay này được coi là taxi bay của tương lai, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong nửa cuối thập kỷ này.
Không để kém cạnh, Airbus cũng giới thiệu nguyên mẫu máy bay đô thị chạy bằng điện eVTOL với kế hoạch đặt trụ sở hoạt động tại sân bay Munich, Đức. Ước tính sẽ có 100 nghìn chiếc máy bay loại này hoạt động vào năm 2040, chở 800 triệu hành khách mỗi năm. Đây chỉ là hai trong số những giải pháp của nhiều hãng máy bay để giảm thiểu phát thải của ngành hàng không.
Ông Jakob Wert - Nhà báo chuyên về hàng không: "Có thể thấy nhiều mẫu máy bay cỡ nhỏ được phát triển với động cơ điện, nhưng khó có thể chế tạo máy bay điện cỡ lớn do trọng lượng của pin. Chúng ta chắc hẳn chưa thể sớm trông thấy máy bay Boeing 777 chạy bằng điện, các nhà sản xuất máy bay cũng đang thử nghiệm nhiều giải pháp công nghệ khác nhau. Một số đang phát triển các động cơ lai. Ví dụ như Airbus muốn chế tạo máy bay chạy bằng hydrogen".
Hiện ngành công nghiệp hàng không thế giới đang phải đối mặt với thách thức đạt được cam kết mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Ông Darren Hulst - Phó Chủ tịch Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing: "Để đạt được mục tiêu này, cần bắt đầu với những máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn, thay thế từ 20, 30, đến 40% những máy bay hiện có trên thị trường. Thêm vào đó, cần phải sử dụng nhiên liệu xanh nhiều hơn để giảm thiểu phát thải của công nghiệp hàng không. Những công nghệ nào khác sẽ giúp đạt phát thải ròng bằng không? Nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch, năng lượng hydro, động cơ điện,…đó sẽ là những công nghệ dẫn dắt thị trường trong 20 năm, 40 năm nữa và xa hơn thế".
Hàng không đang chiếm từ 2 đến 3% phát thải của thế giới. Tỷ lệ này khiến nhiều người cho rằng ngành này có thể trì hoãn mục tiêu trung hòa carbon so với một số ngành có mức phát thải cao hơn. Nhưng với việc nhu cầu di chuyển bằng đường không và giá nhiên liệu hóa thạch đều có chiều hướng gia tăng, phát triển công nghệ xanh đang ngày càng trở nên cấp thiết với ngành hàng không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!