Các nhà lãnh đạo G7 thảo luận mở rộng trừng phạt Nga

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 28/06/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Thông điệp được đưa ra là G7 sẽ tiếp tục mở rộng trừng phạt Nga, tuy nhiên sẽ tìm cách để tránh bị tác động ngược bởi các lệnh trừng phạt.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, Mỹ, Anh, Canada và Nhật Bản sẽ đưa ra lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga - mặt hàng xuất khẩu quan trọng thứ hai của nước này chỉ sau năng lượng. Lệnh cấm dự kiến sẽ tước đi khoảng 19 tỷ USD doanh thu hàng năm của Moscow.

G7 cũng thảo luận về áp giá trần với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Động thái này được cho là nhằm ngăn Nga được hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cũng như chặn giá dầu tăng vọt.

Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết: "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng nếu chúng tôi theo hướng này sẽ nhận được sự ủng hộ của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và muốn đảm bảo chắc chắn rằng, các biện pháp này sẽ nhằm vào Nga chứ không phải để làm cho cuộc sống của chúng ta khó khăn và phức tạp hơn. Cần có tầm nhìn rõ ràng, hiểu biết rõ ràng về những tác động trực tiếp là gì và đâu có thể là hậu quả đi kèm".

Dự thảo tuyên bố chung của hội nghị có nội dung tiếp tục hỗ trợ ngoại giao, quân sự, nhân đạo và tài chính, đồng thời sát cánh cùng Ukraine chừng nào còn cần thiết.

Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhấn mạnh: "Khi nền kinh tế toàn cầu vừa phục hồi, cuộc chiến tại Ukraine đã khiến giá cả tăng cao ở khắp mọi nơi, từ thực phẩm đến năng lượng, gây ra sự bất ổn sâu sắc. Đây là những thách thức rất nghiêm trọng, nhưng điều này sẽ không làm chúng ta chệch khỏi quyết tâm đã được khẳng định".

Các nhà lãnh đạo G7 thảo luận mở rộng trừng phạt Nga - Ảnh 1.

Các lãnh đạo G7, EU, Liên Hợp Quốc và một số đối tác tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức ngày 27/6 - Ảnh: Reuters

G7 cũng đang cân nhắc khả năng sử dụng nguồn thu thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Nga để hỗ trợ thêm cho Ukraine.

Trừng phạt luôn là con dao hai lưỡi

Sau 4 tháng chiến sự dai dẳng, châu Âu cũng đang cảm nhận được sức ép lớn khi theo đuổi cuộc chiến trừng phạt.

Ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về cách thức phản ứng chung đối với vấn đề lạm phát. Sau ngày làm việc đầu tiên, Thủ tướng Đức cho biết, lãnh đạo các nước G7 đều lo ngại về các nguy cơ đình phát (tức là tăng trưởng đình trệ cộng với lạm phát tăng) đang ngày càng hiện rõ khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sau hai năm đại dịch hoành hành, kết hợp với những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, giá cả hàng hóa leo thang và những bất ổn tài chính đang phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu.

Còn Thủ tướng Nhật Bản cho rằng, G7 cần cùng nhau bảo vệ các nền kinh tế trước tình trạng giá cả tăng cao trong bối cảnh xung đột ở Ukraine; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh kinh tế và đề nghị G7 giám sát chặt chẽ các động thái tiền tệ vào thời điểm giá đồng Yen Nhật giảm mạnh.

Các nhà lãnh đạo G7 thảo luận mở rộng trừng phạt Nga - Ảnh 2.

Pháp, Đức ủng hộ đàm phán ngừng bắn

Sau cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Đức và Tổng thống Mỹ ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7, một quan chức Nhà Trắng cho biết, Mỹ và Đức đã thống nhất chung cách tiếp cận bao trùm về một giải pháp ngoại giao đối với cuộc chiến tại Ukraine.

Còn Thủ tướng Anh cho rằng, thời điểm này chưa nên dàn xếp và khuyến khích người Ukraine giải quyết một nền hòa bình tồi tệ, nhất là khả năng Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình. Anh kêu gọi các nước G7 tiếp tục hỗ trợ kinh tế, quân sự và chính trị cho Ukraine, đồng thời gia tăng sức ép với Nga nhằm tạo lợi thế cho Ukraine trên bàn đàm phán. Chính phủ Anh cũng sẵn sàng cung cấp khoản vay 429 triệu bảng cho Ukraine để giải quyết lo ngại nước này có thể hết tài trợ vào mùa thu năm nay.

Kể từ khi các cuộc đàm phán giữa giữa Nga và Ukraine được tổ chức vào tháng 3, đàm phán giữa hai bên đã bị đình trệ. Lúc này trong từng nước thành viên của châu Âu, nhất là các nước phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, sức ép đang gia tăng trong nội bộ về việc phải tìm con đường thương lượng chấm dứt xung đột. Lạm phát càng tăng cao, kinh tế càng khó khăn sẽ là yếu tố mà các nước châu Âu đặt lên bàn cân khi tính tới các hỗ trợ lâu dài cho Ukraine.

Lãnh đạo các nước G7 cam kết hỗ trợ Ukraine Lãnh đạo các nước G7 cam kết hỗ trợ Ukraine

VTV.vn - Lãnh đạo các nước G7 đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Ukraine Zelensky để thảo luận về diễn biến liên quan căng thẳng tại quốc gia này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước