Gần 70 quốc gia ký hiệp ước lịch sử của Liên hợp quốc về bảo vệ biển

Quỳnh Chi (Theo France24)-Thứ năm, ngày 21/09/2023 17:25 GMT+7

(Ảnh: iStock/Getty Images)

VTV.vn - Gần 70 quốc gia tại Liên hợp quốc đã ký hiệp ước đầu tiên về bảo vệ biển quốc tế.

Diễn viên Sigourney Weaver nói tại New York khi lễ ký kết được khai mạc: "Thật là một khoảnh khắc tuyệt vời khi được ở đây và chứng kiến sự hợp tác đa phương với rất nhiều hy vọng này".

Theo Liên hợp quốc, 67 quốc gia đã ký hiệp ước vào ngày đầu tiên, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Australia, Anh, Pháp, Đức và Mexico, cũng như toàn bộ Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia vẫn phải phê chuẩn hiệp ước theo quy trình nội bộ của nước mình. Hiệp ước sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi được 60 quốc gia phê chuẩn.

Phó Thủ tướng Bỉ Vincent van Quickenborne cho biết: "Rõ ràng là các đại dương đang cần được bảo vệ khẩn cấp".

Sau 15 năm thảo luận, Liên hợp quốc đã ký hiệp ước đầu tiên về biển vào tháng 6 với sự đồng thuận, mặc dù Nga cho biết họ có những bảo lưu.

Nichola Clark thuộc Dự án Quản trị Đại dương tại The Pew Charitable Trusts (tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ độc lập, được thành lập vào năm 1948) cho biết, việc bắt đầu ký kết đánh dấu "một chương mới" về việc "thiết lập những biện pháp bảo vệ phù hợp" cho các đại dương.

Gần 70 quốc ký hiệp ước lịch sử của Liên hợp quốc về bảo vệ biển - Ảnh 1.

(Ảnh: Green Peace)

Biển được định nghĩa là khu vực đại dương bắt đầu ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia hoặc cách bờ biển 200 hải lý (370 km), bao phủ gần một nửa hành tinh. Tuy nhiên, từ lâu chúng đã bị bỏ qua nội dung bảo vệ biển trong các cuộc thảo luận, hội nghị về môi trường.

Một công cụ quan trọng trong hiệp ước sẽ là khả năng tạo ra các khu vực biển được bảo vệ trong vùng biển quốc tế.

Hiệp ước này được coi là rất quan trọng đối với thỏa thuận bảo vệ 30% đại dương và đất liền trên thế giới vào năm 2030, như đã được các chính phủ đồng thuận trong một hiệp định riêng biệt về đa dạng sinh học đạt được ở Montreal (Canada) vào tháng 12/2022.

Mads Christensen, Giám đốc điều hành lâm thời của tổ chức Greenpeace International, bày tỏ hy vọng rằng hiệp ước sẽ có hiệu lực vào năm 2025, khi hội nghị đại dương tiếp theo của Liên hợp quốc diễn ra tại Pháp.

Ông nói: "Chúng ta có chưa tới 7 năm để bảo vệ 30% đại dương. Không có thời gian để lãng phí"; "Cuộc đua phê chuẩn đã bắt đầu và chúng tôi kêu gọi các nước hãy phê chuẩn hiệp ước và đảm bảo rằng nó sẽ có hiệu lực vào năm 2025".

Tuy nhiên, ngay cả khi hiệp ước đạt được sự phê chuẩn cần thiết của 60 quốc gia để có hiệu lực, nó vẫn thấp hơn nhiều so với mức ủng hộ chung mà những nhà bảo vệ môi trường kỳ vọng.

Đại dương rất quan trọng đối với sức khỏe của hành tinh, bảo vệ đa dạng sinh học, hỗ trợ một nửa lượng oxy mà sinh vật trên cạn hít thở. Các đại dương cũng rất quan trọng trong việc hạn chế tác động của biến đổi khí hậu bằng cách giúp hấp thụ khí thải nhà kính.

Hiệp ước, chính thức được gọi là Hiệp ước về "Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia" (BBNJ), cũng đưa ra các yêu cầu thực hiện nghiên cứu tác động môi trường đối với những hoạt động được đề xuất trên biển. Mặc dù không được liệt kê trong văn bản, các hoạt động sẽ bao gồm từ đánh bắt cá và vận tải hàng hải cho đến những hoạt động gây tranh cãi hơn như khai thác dưới biển sâu hoặc các chương trình địa kỹ thuật nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.

LHQ thông qua văn bản về thỏa thuận lịch sử bảo vệ đại dương LHQ thông qua văn bản về thỏa thuận lịch sử bảo vệ đại dương

VTV.vn - Sau nhiều năm đàm phán, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cuối cùng đã đạt được đồng thuận về một hiệp ước đại dương mang tính lịch sử.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước