Hội nghị COP27 đã ghi nhận nhiều lời kêu gọi các nước giàu có hơn, với mức phát thải cao, phải thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo hơn, để thực hiện chuyển đổi sang kinh tế xanh và củng cố khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu.
Một số quốc gia châu Âu như Áo, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Ireland và Scotland đã cam kết hàng triệu USD để giúp các nước đang phát triển đối phó với những tổn thất và thiệt hại khó tránh khỏi do biến đổi khí hậu gây ra. Trong khi đó, Mỹ - một trong những nước phát thải nhiều nhất thế giới - tuyên bố thiết lập một kế hoạch đền bù carbon để hỗ trợ các nước đang phát triển đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch.
Khó khăn trong chia sẻ gánh nặng tài chính
Yêu cầu các nước giàu hỗ trợ các nước dễ tổn thương vì biến đổi khí hậu luôn là vấn đề dằng dai nhiều năm nay. Việc các nước đang phát triển yêu cầu thêm những khoản hỗ trợ được gọi là một kiểu quỹ 'tổn thất và thiệt hại' càng khiến các cuộc đàm phán khó khăn hơn, xung quanh các câu hỏi: Thế nào là tổn thất và thiệt hại và bồi thường thế nào?
Theo thông lệ, các khoản tài trợ chống biến đổi khí hậu tập trung vào việc giảm thải khí CO2 nhằm ngăn biến đổi khí hậu, 1/3 trong số này được chi cho các dự án giúp các cộng đồng thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.
Nhưng trong các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc tổ chức gần đây xuất hiện cụm từ 'tổn thất và thiệt hại', chỉ những tổn thất đã mất do hậu quả của các hiện tượng thời tiết cực đoan vì biến đổi khí hậu, ví dụ như hiện tượng nước biển dâng.
Tuy nhiên, rất khó để có được sự thống nhất về tính toán thiệt hại trong các thảm họa khí hậu. Và khó thống nhất hơn thế là vấn đề ai trả tiền cho những thiệt hại này.
Các nước dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu và những người ủng hộ thì lập luận rằng, tình trạng biến đổi khí hậu phần lớn do khí thải của các nước giàu gây ra, nên các nước này phải trả tiền. Nay thì một số nước châu Âu đã bắt đầu đưa ra cam kết tài trợ cho quỹ 'tổn thất và thiệt hại' nhằm giúp các nước nghèo khắc phục các thiệt hại do biến đổi khí hậu. Nhưng các chi tiết như các nước giàu phải chi bao nhiêu tiền, và những nước nào hay thảm họa khí hậu nào đạt tiêu chí để được hỗ trợ thì vẫn chưa làm rõ được.
Ngay cả việc tiếp cận các khoản hỗ trợ chống biến đổi khí hậu thông thường cũng đã là khó, theo Tổng thống Nam Phi. Ông nói: "Hiện nay, hỗ trợ đa phương là hoàn toàn nằm ngoài tầm với của đa số người dân trên thế giới, vì các chính sách cho vay không chấp nhận rủi ro và mất nhiều chi phí tiếp cận cũng như kèm theo nhiều điều kiện".
Gánh nặng trên vai các nước đang phát triển
Ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ cơ chế để thực hiện "công bằng khí hậu". Theo đó, những quốc gia phát thải nhiều nhất - gây ra sự hủy hoại thiên nhiên - sẽ phải thực hiện nghĩa vụ chi phí để giúp các nước đang phải chịu hậu quả thiên tai - có phương tiện tài chính và công nghệ để đối phó với biến đổi khí hậu. Nếu nhìn vào bức tranh thời tiết những năm gần đây, có thể thấy rõ gánh nặng biến đổi khí hậu đang đè nặng trên vai các nước đang phát triển.
Pakistan đã trải qua nạn lụt kinh hoàng trong năm nay. Hơn 30% diện tích Pakistan ngập trong biển nước, khiến 1.700 người thiệt mạng. Tác động của biến đổi khí hậu quá nặng nề với quốc gia Nam Á này, trong khi Pakistan chỉ góp chưa đầy 1% vào tổng lượng khí thải toàn cầu khiến Trái đất ấm lên. Ngân hàng Thế giới ước tính, nước này phải chịu thiệt hại 30 tỷ USD.
Ông Simon Stiell - Trưởng bộ phận khí hậu của Liên Hợp Quốc cho rằng: "Những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu phải ở đầu trong danh sách ưu tiên vì họ là những người chịu thiệt hại. Ví dụ như Pakistan, làm thế nào để họ phục hồi sau thảm họa đó? Chính phủ không thể đưa ra các phương án dự phòng để phục hồi thỏa đáng sau một thảm họa lớn như vậy, mà cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài".
Còn ngay tại Việt Nam, biến đổi khí hậu cũng đẩy một số người dân vào tình cảnh gian nan giữ đất sống do tình trạng xâm nhập mặn.
Theo Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới được công bố tháng 7 năm nay, các tính toán ban đầu cho thấy Việt Nam đã mất 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu.
Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050.
Việt Nam được xếp vào nhóm một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Một kết quả từ Hội nghị COP27 lần này về tài chính cho chống biến đổi khí hậu, sẽ có những tác động ý nghĩa đến nỗ lực thích ứng biến đổi khí hậu của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!