Gập ghềnh con đường tiếp cận vaccine COVID-19 của các nước có thu nhập thấp

An Ngọc (Theo The Conversation, The New York Times, Bloomberg)-Thứ bảy, ngày 23/01/2021 06:00 GMT+7

Nguồn: The New York Times

VTV.vn -Với mức giá từ 3 USD - 37 USD cho mỗi lần tiêm của các loại vaccine COVID-19 gồm 2 liều, công cuộc chủng ngừa của các nước nghèo đang hết sức chông gai.

Tính khả dụng của vaccine COVID-19 giá thành cao

Đối với phần lớn thế giới, tương lai về chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 có vẻ ảm đạm hơn là ở những nước giàu. Mặc dù một số quốc gia có thu nhập trung bình đã bắt đầu triển khai, nhưng phải mất nhiều năm nữa mới có thể tiêm chủng rộng rãi.

Chuyên gia dịch tễ học Bruce Aylward của WHO cho biết: "Hơn 40 quốc gia hiện đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 với 5 loại vaccine khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các loại vaccine này, hoặc hầu như tất cả, đều được triển khai ở các nước có thu nhập cao và trên trung bình".

2 loại vaccine COVID-19 đầu tiên được cấp phép tại Châu Âu và Mỹ - do Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất - không phù hợp với các quốc gia có thu nhập thấp. Vaccine của Pfizer phải được bảo quản ở -70°C, đòi hỏi thiết bị và cơ sở hạ tầng đắt tiền. Giá thành cũng khá cao, khoảng 20 USD, tương đương 460.000 đồng Việt Nam/liều. Vaccine của Moderna có thể được giữ trong tủ lạnh tiêu chuẩn đến 30 ngày, nhưng giá thành thậm chí còn đắt hơn. Do đó, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chỉ giành được một số giao dịch trực tiếp để mua các loại vaccine này.

Mỗi liều vaccine COVID-19 sẽ có giá bao nhiêu?

Chi phí cho mỗi liều vaccine COVID-19 từ 3 đến 37 USD, tùy thuộc vào từng loại vaccine.

Moderna, một loại vaccine tiêm hai liều, mỗi liều sẽ có giá khoảng 32 đến 37 USD.

Vaccine COVID-19 của Pfizer, cũng được tiêm hai liều, dự kiến có giá 19,50 USD một liều.

Mỗi liều vaccine trong hai liều của Johnson & Johnson sẽ có giá ước tính là 10 USD. Và vaccine hai liều của AstraZeneca có thể rẻ nhất chỉ từ 3 đến 4 USD một liều.

Thuốc chủng ngừa hai liều của Novavax được ước tính là 16 USD một liều

Pfizer chỉ đề nghị cung cấp 50 triệu liều vaccine COVID-19 cho 1,3 tỷ người châu Phi từ tháng 3 đến tháng 12/2021, trong khi Moderna chưa có kế hoạch phân bổ cho châu Phi trong năm nay.

Gập ghềnh con đường tiếp cận vaccine COVID-19 của các nước có thu nhập thấp - Ảnh 1.

Vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech có giá khoảng 20 USD/liều. (Nguồn: Reuters)

COVAX: không đủ và quá chậm

Được sự ủng hộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sáng kiến COVAX được tạo ra để chia sẻ vaccine COVID-19 trên toàn thế giới, đặc biệt là với các nước có thu nhập thấp hơn. Vào năm 2020, 2,4 tỷ USD đã được huy động, với các thỏa thuận được thực hiện để cung cấp cho các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận với 1,3 tỷ liều vaccine.

Tuy nhiên, vaccine của Pfizer vẫn là vaccine duy nhất nhận được cấp phép sử dụng khẩn cấp của WHO - 1 yêu cầu quy định tối thiểu để phân phối thông qua COVAX. Vaccine do Oxford/AstraZeneca phát triển - về cơ bản có giá thấp hơn đáng kể, dễ bảo quản hơn và có các đối tác sản xuất quy mô lớn, cũng như thỏa thuận cung cấp COVAX, nhưng vẫn đang chờ WHO phê duyệt. WHO đã tuyên bố COVAX sẽ cung cấp lô vaccine đầu tiên sớm nhất vào cuối tháng 1. Mục tiêu đến cuối năm 2021 sẽ cung cấp 2 tỷ liều vaccine trên toàn cầu.

Nhưng ngay cả khi lời hứa này được thực hiện, nguồn cung vaccine được dự báo cũng sẽ không đủ. Phát biểu thay mặt cho Liên minh châu Phi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bày tỏ lo ngại rằng "số lượng vaccine do COVAX cung cấp từ tháng 2 đến tháng 6 có thể không đủ đáp ứng nhu cầu của các nhân viên y tế tuyến đầu và do đó khó có thể kiềm chế những tổn thất ngày càng gia tăng mà đại địch gây ra với châu lục này."

Tổng số liều vaccine COVAX cam kết cho châu Phi sẽ chỉ bao phủ 300 triệu người, tương đương 20% dân số của châu lục này.

Gập ghềnh con đường tiếp cận vaccine COVID-19 của các nước có thu nhập thấp - Ảnh 2.

Sáng kiến COVAX được tạo ra để chia sẻ vaccine COVID-19 trên toàn thế giới, đặc biệt là với các nước có thu nhập thấp hơn. (Nguồn: Reuters)

Ấn Độ, Trung Quốc và Nga mang đến lựa chọn khác?

Không muốn chờ đợi, các quốc gia có thu nhập cao hơn đã bỏ qua COVAX bằng cách thỏa thuận hợp đồng trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine COVID-19. Trong khi đó, các quốc gia có thu nhập trung bình như Argentina, Indonesia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đang chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác nhau: đó là vaccine sản xuất tại Ấn Độ, Trung Quốc và Nga.

Gập ghềnh con đường tiếp cận vaccine COVID-19 của các nước có thu nhập thấp - Ảnh 3.

Indonesia là một trong những nước quyết định không chờ đợi nguồn cung vaccine COVID-19 từ COVAX mà mua trực tiếp từ Trung Quốc. (Nguồn: EPA-EFE)

Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã có giấy phép sản xuất vaccine COVID-19 của Oxford/AstraZeneca, trong khi công ty công nghệ sinh học Bharat Biotech cũng tự phát triển vaccine của riêng mình. Ấn Độ đã phê duyệt cả hai sản phẩm này vào ngày 3/1 và triển khai tiêm chủng vào ngày 16/1 vừa qua.

Ấn Độ cũng đang cung cấp sản phẩm vaccine của mình cho các nước khác. Bangladesh đã phê duyệt vaccine của Oxford/AstraZeneca do SII sản xuất và có thỏa thuận mua 30 triệu liều, trong khi Nam Phi thông báo sẽ mua 1 triệu liều vào cuối tháng 1 và nửa triệu liều nữa vào tháng 2.

SII là một trong 3 nhà cung cấp cung cấp cho Liên minh Châu Phi với 270 triệu liều vaccine. 50 triệu liều sẽ đến vào tháng 6/2021. Viện này cũng sẽ cung cấp cho COVAX, nhưng hiện vaccine của Oxford/AstraZeneca vẫn đang chờ sự chấp thuận theo quy định của WHO.

Gập ghềnh con đường tiếp cận vaccine COVID-19 của các nước có thu nhập thấp - Ảnh 4.

Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. (Nguồn: EPA-EFE)

Trung Quốc cam kết sẽ cung cấp vaccine COVID-19 do nước này sản xuất như một sản phẩm công cộng toàn cầu, đồng thời cũng đề nghị hỗ trợ tài chính để giúp Mỹ Latinh và châu Phi có được vaccine COVID-19.

Vào ngày 31/12/2020, Trung Quốc đã phê duyệt một loại vaccine COVID-19 do công ty dược phẩm nhà nước Sinopharm phát triển để sử dụng rộng rãi. Công ty dự kiến ​​sẽ sản xuất 1 tỷ liều vào năm 2021. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Maroc đều đã bắt đầu triển khai tiêm chủng loại vaccine này. Ai Cập và Pakistan đã công bố các thỏa thuận với số lượng mua tương ứng là 10 triệu và 1,2 triệu liều.

Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia đều đã bắt đầu chương trình tiêm chủng với một loại vaccine khác của Sinovac là CoronaVac. Thái Lan và Philippines cũng sẽ sớm triển khai loại vaccine này. Trong khi đó, bang São Paolo (Brazil) đã đồng ý một thỏa thuận với 46 triệu liều CoronaVac và phân phối loại vaccine này cho chương trình tiêm chủng đầu tiên.

Argentina đã nhận được 300.000 liều vaccine Sputnik V do Nga sản xuất và triển khai tiêm chủng cho các nhân viên y tế tuyến đầu vào 24/12/2020. Sputnik V cũng là một trong những loại vaccine COVID-19 đầu tiên được phân phối sử dụng ở châu Phi hạ Sahara và Guinea. Bang Bahia (Brazil) cũng đã đồng ý tổ chức thêm các cuộc thử nghiệm vaccine Sputnik V để đổi lấy việc được ưu tiên tiếp cận 50 triệu liều.

Gập ghềnh con đường tiếp cận vaccine COVID-19 của các nước có thu nhập thấp - Ảnh 5.

Argentina đã nhận được 300.000 liều vaccine Sputnik V do Nga sản xuất và triển khai tiêm chủng cho các nhân viên y tế tuyến đầu vào 24/12/2020. (Nguồn: EPA-EFE)

Khi nào cả thế giới sẽ được tiêm phòng?

Ngày càng có nhiều quốc gia có thu nhập trung bình tiếp cận và bắt đầu các chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19, nhưng họ đang thực hiện điều này ngoài cơ chế mua sắm và quản lý của WHO. Việc này cũng làm dấy lên một số nghi ngờ xung quanh việc thử nghiệm và báo cáo hiệu quả của những loại vaccine chưa được WHO phê duyệt.

Nếu thế giới đạt được mức độ bao phủ vaccine đủ để ngăn chặn COVID-19, các vaccine hiện có - bao gồm cả các loại của Ấn Độ, Trung Quốc và Nga - cần phải chứng minh hiệu quả. Khả năng tiếp cận cũng phải tăng lên không chỉ ở các nước thu nhập trung bình, mà còn ở các nước thu nhập thấp. Bên cạnh đó là những lo ngại rằng những biến thể của virus sẽ ảnh hưởng như thế nào tới vaccine.

Không có gì là phóng đại khi cho rằng triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 là một nhiệm vụ khổng lồ. Nói riêng tại Ấn Độ, mặc dù sở hữu năng lực sản xuất lớn, nhưng phải đến tháng 8/2021, về mặt lý tưởng nước này mới có thể đạt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu dân, tức là chưa đến ¼ dân số. Xét trên quy mô toàn cầu, nhiệm vụ tiêm chủng còn thách thức hơn nhiều. Ông Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành của SII cho biết: "Ít nhất là đến năm 2024, hầu hết dân số thế giới mới được tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước