Chỉ trong hơn 1 tuần cuối tháng 7, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Nga lần lượt thông báo ngừng xuất khẩu gạo. Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu gạo tẻ thường từ 20/7, có khả năng tác động đến 25% tổng gạo xuất khẩu của nước này. Trong khi UAE cũng quyết định dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Còn Nga cấm xuất khẩu gạo đến hết năm nay. Giá gạo thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 12 năm qua và tăng 14% kể từ tháng 6 năm ngoái.
TS. David Ubilava - Đại học Sydney, Australia: "Bất cứ khi nào nhà xuất khẩu lớn của một mặt hàng như Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo thì một phần đáng kể mặt hàng đó sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường và ngay lập tức điều đó có nghĩa là mặt hàng này sẽ thiếu hụt và giá cao hơn, vì vậy các quốc gia phụ thuộc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng và sau đó một vài quốc gia như Bangladesh, Saudi Arabia - những nhà nhập khẩu gạo lớn của Ấn Độ sẽ phải tìm các nguồn thay thế, có thể là Thái Lan và Việt Nam. Nhưng giá gạo toàn cầu sẽ tăng bất chấp điều đó.
Ông Samarendu Mohanty - Chuyên gia nông nghiệp: "Chúng ta giao dịch khoảng 55 triệu tấn, vì vậy nếu bạn rút 10 triệu tấn ra khỏi thị trường và nhu cầu vẫn như vậy, giá sẽ tăng, giá tất cả các loại gạo đã tăng 15-20%".
Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại cho sản xuất lúa gạo trên khắp châu Á cũng tạo ra sức ép nguồn cung gạo trên toàn cầu, góp phần làm giá gạo tăng cao.
Mưa lũ tại Ấn Độ, Pakistan đã phá hủy mùa màng. Trong khi hiện tượng El Nino cũng đe dọa đến sản lượng gạo tại Thái Lan, Indonesia. Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đang kêu gọi nông dân nước này giảm diện tích trồng lúa nhằm tiết kiệm nước.
Ông Karan Chaprana - Nông dân Ấn Độ: "Lũ lụt đã phá hủy vụ mùa đầu tiên của chúng tôi, chúng tôi không thể trồng vụ thứ hai vì đất cần phải được cày xới. Nhưng chúng tôi không có tiền để làm việc đó, chúng tôi mắc nợ".
Cùng với đó là việc hạn chế nguồn cung lúa mì và ngô trên toàn cầu liên quan cuộc xung đột tại Ukraine cũng đã làm tăng nhu cầu về gạo như một loại lương thực thay thế. Trong khi giá phân bón, nhiên liệu tăng đã góp phần làm tăng chi phí sản xuất gạo, khiến giá gạo tăng cao hơn.
Hàng tỷ người trên thế giới bị ảnh hưởng do giá gạo tăng vọt
Gạo là lương thực rất quan trọng đối với chế độ ăn của hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi. Đợt tăng giá mới nhất làm gia tăng căng thẳng trên thị trường lương thực toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt và xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine. Giá gạo tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 15 năm qua đang làm dấy lên lo ngại rằng, chi phí lương thực sẽ trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều với những người nghèo nhất thế giới.
Ông Alvaro Lario - Chủ tịch Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế: "Ngay lúc này chúng ta đang thấy giá gạo tăng lên, hoạt động gieo trồng tại một số nơi đã không diễn ra trong năm ngoái do thiếu phân bón và nước tưới. Nếu giá gạo tiếp tục tăng, chúng ta chắc chắn sẽ đối mặt với khủng hoảng".
Các chuyên gia nhận định, giá gạo tăng cao sẽ góp phần gây ra lạm phát lương thực. Những hộ gia đình nghèo tại các thị trường mới nổi dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc giá lương thực như vậy, do tỷ trọng thực phẩm lớn hơn trong giỏ hàng tiêu dùng.
Hầu hết gạo trên thế giới được trồng và tiêu thụ ở châu Á, nơi nông dân đang phải vật lộn với nắng nóng và hạn hán. Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đang khuyến khích nông dân chuyển sang các loại cây trồng cần ít nước hơn, trong khi nông dân ở các vùng sản xuất lúa gạo hàng đầu của Indonesia đang trồng ngô và cải bắp để đề phòng hạn hán.
Lo ngại gia tăng về nguồn cung gạo thắt chặt hơn do tác động của El Nino và biến đổi khí hậu khiến nhiều nước kích hoạt các chính sách bảo hộ để đảm bảo dự trữ lương thực, bao gồm kiểm soát xuất khẩu, như quyết định của Ấn Độ - quốc gia chiếm 40% thương mại gạo thế giới. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và áp lực giá cả.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, các biện pháp kiểm soát giá cả nghiêm ngặt do chính phủ thực thi cũng như trợ cấp lương thực ở nhiều quốc gia tiêu thụ có thể giúp kiềm chế lạm phát.
Những bất lợi và cơ hội từ việc giá gạo tăng tại Thái Lan
Theo bản cập nhật giá gạo hàng tháng do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc phát hành đầu tuần này thì giá gạo trắng 100% B của Thái Lan đã tăng 38 USD, nâng mức trung bình hàng tháng lên 562 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 2/2021. Còn theo Bộ Thương mại Thái lan lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và việc các nước tăng tích trữ do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã giúp giá gạo Thái Lan tăng khoảng 20%.
Giá gạo tăng thì người dân sẽ được hưởng lợi khi bán được gạo với giá cao hơn. Cùng với đó, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng là cơ hội để nước này thâm nhập các thị trường từng do các nhà xuất khẩu Ấn Độ thống trị, đặc biệt là ở thị trường châu Phi - nơi tiêu thụ một lượng gạo lớn từ Ấn Độ. Chính vì thế, Bộ Thương mại Thái Lan khẳng định không hạn chế xuất khẩu gạo trong năm nay. Bởi theo ước tính thì El Nino cũng khiến sản lượng gạo sụt giảm nhưng vẫn có thể đạt khoảng 18 đến 19 triệu tấn, đảm bảo đủ lượng gạo cho cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cũng như bình ổn giá gạo ở trong nước không tăng quá cao.
Các nước tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu
Do ảnh hưởng của El Nino, nhiều nước ASEAN đã có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Chính phủ Thái Lan đã khuyến cáo người dân chỉ trồng 1 vụ trong năm thay vì 2 vụ như thông thường, đồng thời chuyển sang các loại cây trồng cần ít nước hơn, đặc biệt là tại khu vực miền Trung, nơi được mệnh danh là vành đai lúa gạo của cả nước.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng thành lập một lực lượng chuyên trách để theo dõi tác động của hiện tượng khí hậu El Nino đối với giá gạo và các loại cây trồng khác.
Tại Philippines, chính phủ nước này sẽ nhập thêm gạo nếu lượng gạo tồn kho dự trữ không đủ ít nhất là 52 ngày, đồng thời khuyến khích nông dân trồng các giống cây có khả năng chống nóng.
Trong khi đó, nông dân ở các vùng sản xuất lúa gạo hàng đầu của Indonesia đang trồng ngô và cải bắp để đề phòng hạn hán. Còn chính phủ nước này cũng đang chuẩn bị 500.000ha đất nông nghiệp để sản xuất lúa gạo trước nguy cơ hạn hán kéo dài do hiện tượng khí hậu El Nino gây ra.
Như vậy có thể thấy hầu hết các nước đều đang tìm cách để vừa thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu do El Nino vừa đảm bảo được an ninh lương thực trong nước, kiềm chế lạm phát tăng cao.
Giá gạo có thể hạ nhiệt từ tháng 9?
Trang Hindu Business Line trích thông tin từ các thương nhân gạo cho biết, giá gạo có thể hạ nhiệt từ tháng 9. Trong khi các cơ quan nghiên cứu thì dự báo rằng thị trường gạo toàn cầu sẽ nới lỏng trong niên vụ 2023-2024, chuyển từ mức thâm hụt ước tính 9,9 triệu tấn trong năm 2022-2023 sang mức thâm hụt hẹp 1 triệu tấn. Nhưng hiện tượng thời tiết El Nino có thể gây rủi ro và gây bất ổn giá gạo trong tạm thời.
Trong khi tờ Reuters đưa tin, theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ, lượng mưa cần thiết để sản xuất bình thường sẽ đảm bảo cho Ấn độ đảo ngược lệnh cấm xuất khẩu gạo và chỉ khi có nguồn cung của Ấn Độ thì mới có thể khôi phục trạng thái cân bằng trên thị trường. Hội đồng Ngũ cốc quốc tế thì cho rằng, sẽ phải chờ xem lệnh cấm của Ấn Độ có hiệu lực bao lâu, nếu càng lâu thì các nhà xuất khẩu khác càng khó bù đắp cho sự thiếu hụt.
Trang Arabian Business dẫn nhận định của nhà phân tích Shirley Mustafa - Chuyên gia từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc cho biết: Xét về tình hình cung cấp gạo tổng thể, mặc dù mỗi nước có các điều kiện khác nhau, nhưng trên toàn cầu, không có tình trạng thiếu gạo. Tuy nhiên, những bất thường về thời tiết và hạn chế xuất khẩu sẽ làm tăng lo ngại về sự bất ổn và không chắc chắn của thị trường cũng như hạn chế khả năng tiếp cận lương thực.
Trang CNBC đưa tin, hiện tượng thời tiết El Nino có thể làm trầm trọng thêm rủi ro đối với sản xuất toàn cầu tại các nước sản xuất gạo lớn khác ở châu Á như Thái Lan, Pakistan và Việt Nam. Do đó trong vài tháng tới, hướng đi của giá gạo toàn cầu sẽ được quyết định bởi tác động của El Nino.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!