Giá thực phẩm và đồ uống được bán tại các siêu thị của Pháp đã tăng 13,1% trong tháng 7 trên cơ sở hàng năm, theo dữ liệu mới nhất được công bố bởi Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp (INSEE). Trong đó, giá thịt và đồ uống tăng lần lượt 11,3% và 10,1%, trong khi các mặt hàng thực phẩm khác tăng giá tới 15%. Chi phí cho các sản phẩm làm sạch và chăm sóc cá nhân của người tiêu dùng ở Pháp tăng 9,4%.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Pháp ở mức 4,3% vào tháng 7, giảm so với mức tăng kỷ lục 4,5% được ghi nhận trong tháng 6, phù hợp với ước tính sơ bộ và đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Lạm phát của Pháp được cho là đã giảm bớt do giá năng lượng giảm, bên cạnh đó là sự tăng giá vừa phải của thực phẩm và các sản phẩm sản xuất.
Tháng 7, Chính phủ Pháp đã gửi kế hoạch chi tiêu năm 2024 tới quốc hội nước này, trong đó kêu gọi cắt giảm chi tiêu 4,2 tỷ Euro (4,7 tỷ USD), đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên sau gần 10 năm. Paris đang lên kế hoạch chi 428,8 tỷ Euro vào năm 2024 khi quốc gia này đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách là 4,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho năm 2024, giảm so với mục tiêu 4,9% trong năm nay. Mục đích là đưa con số này xuống dưới 3%, giới hạn được đặt ra theo các quy định của Liên minh châu Âu, vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Emmanuel Macron vào năm 2027.
Việc cắt giảm chi tiêu xuất phát từ nhu cầu cấp thiết phải giảm nợ công, chiếm tới 111,6% GDP của quốc gia. Các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" được kỳ vọng sẽ đảm bảo giảm nợ công xuống còn 108,3% của nền kinh tế vào năm 2027.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!