Ngập lụt do lũ quét ở Sentani, tỉnh Papua, Indonesia ngày 18/3/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Dự báo, con số sẽ còn tiếp tục khi lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm 93 người mất tích. Ngoài ra, hiện có ít nhất 80 người bị thương nặng và 75 người khác bị thương nhẹ trong đợt thiên tai này.
Theo thông báo ngày 20/3 của người phát ngôn Cơ quan Kiểm soát thảm họa Indonesia Sutopo Purwo Nugroho, lũ lụt và lở đất đã khiến gần 10.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán, lánh nạn trong 20 trung tâm sơ tán khẩn cấp, chủ yếu là các tòa nhà cơ quan chính phủ.
Rạng sáng 17/3, nước lũ và lở đất đã phá hủy nhiều đường sá và cây cầu tại một số khu vực của huyện Jayapura, thuộc tỉnh Papua, gây khó khăn cho các nỗ lực cứu hộ. Chính phủ Indonesia đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 14 ngày tại tỉnh Papua. Lực lượng cứu hộ gồm hơn 1.600 người, trong đó có binh sĩ, cảnh sát, đang gặp nhiều khó khăn khi dọn đống đổ nát do thiếu các thiết bị hạng nặng. Ước tính 400 nhà ở và nhiều tòa nhà đã bị hư hại và hàng nghìn ngôi nhà bị ngập nước. Hệ thống giao thông đường bộ bị hư hại nghiêm trọng và nhiều vùng dân cư bị cô lập do nước lũ.
Theo giới chức địa phương, chặt phá rừng ở khu vực thượng nguồn các dòng sông là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng lũ lụt nghiêm trọng này ở vùng hạ lưu. Tỉnh trưởng tỉnh Papua, ông Lukas Enembe đang cân nhắc ban bố lệnh cấm chặt phá rừng.
Lũ lụt rất phổ biến ở Indonesia trong mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 4. Hồi tháng 1 vừa qua, lũ lụt và lở đất đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 70 người trên đảo Sulawesi. Đầu tháng này, hàng trăm người ở tỉnh Tây Java buộc phải sơ tán khi những cơn mưa xối xả gây lũ lụt nghiêm trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!