Muôn cảnh đón tuyết tại các nước
Trong khi Hội nghị COP28 của Liên Hợp Quốc đang bàn thảo về các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, thì biến đổi khí hậu đang gây ra những hệ lụy tại nhiều vùng ôn đới Bắc bán cầu, đó là những đợt tuyết lớn kỷ lục một cách bất thường.
Đầu tháng 12, tuyết đã phủ trắng Thủ đô Praha, CH Czech. Chợ Giáng sinh truyền thống mở ở quảng trường trong khu phố cổ lại có tuyết rơi thì không gì hợp hơn. Nhưng tuyết rơi dày gây gián đoạn giao thông, làm mất điện thì lại chẳng khiến ai thích thú.
Đợt lạnh ở châu Âu mang tuyết dày 30-40 cm đổ xuống bang Bavaria, Đức cuối tuần trước. Người thì tận hưởng cảnh tuyết trắng, trời xanh, nhưng giao thông thì hỗn loạn vì cả sân bay và ga tàu thành phố Munich đều phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế, cảnh báo đường trơn trượt vì băng và tuyết lở được phát đi.
Chị Katja Solska - Thành phố Munich, Đức nói: "… Tôi sống ở đây 5 năm rồi mà chưa từng bao giờ thấy tuyết nhiều đến thế".
Đầu tháng 12, tuyết cũng đến sớm và dày bất ngờ ở Anh, gây mất điện ở một số khu vực. Cơ quan dự báo thời tiết của Anh phát cảnh báo màu vàng do băng, tuyết. Cơ quan an ninh y tế phát báo động sức khỏe do thời tiết lạnh cho 9 vùng.
Tuyết rơi kỷ lục ở Nga
Ba ngày sau trận tuyết rơi kỷ lục, vẫn còn rất nhiều những đống tuyết lớn ở Moscow. Nhiều người nói rằng, chưa từng thấy tuyết rơi nhiều như vậy vào đầu tháng 12. Chỉ trong ngày 3/12 mà lượng tuyết rơi gần như bằng của 10 ngày gộp lại. Ở một số khu vực, lớp tuyết phủ đã vượt quá 40 cm. Đây là kỷ lục được ghi nhận vào đầu tháng 12 trong vòng 145 năm qua. Hậu quả là các công nhân đã phải "đào bới" Moscow sau trận tuyết dày lịch sử. Nhiều chuyến bay bị hoãn hủy, giao thông đình trệ, cuộc sống của người dân ảnh hưởng nặng nề. Chính quyền Moscow đã phải huy động hơn 18 nghìn thiết bị đặc biệt và 135 nghìn nhân viên để xử lý tuyết trong thành phố.
Nguyên nhân của trận tuyết lớn bất ngờ này, theo các nhà khí tượng thủy văn Nga, là do ảnh hưởng của cơn bão tuyết mạnh xuất phát từ châu Âu mang tên Oliver. Cơn bão tuyết này sau khi bao phủ Moscow đã tràn xuống phía nam Siberia và gây băng giá khắp nước Nga. Đợt không khí lạnh sớm bất thường đã khiến nhiệt độ nhiều nơi ở vùng Siberia giảm mạnh xuống -50 độ C.
Theo dự báo, sau một đợt giá lạnh Siberia ở chính Thủ đô Moscow, tuyết sẽ quay trở lại đây trong tuần tới và rất có thể sẽ lập kỷ lục mới.
Giải mã hiện tượng Trái đất nóng lên nhưng tuyết rơi ngày càng nhiều
Trái đất nóng lên thường sẽ đi liền với hình ảnh tuyết tan và những dòng sông băng biến mất. Nhưng có một thực tế đang xảy ra, đó là tuyết rơi ngày càng nhiều và cường độ lớn hơn. Các chuyên gia khí hậu cho rằng, không phải nhiều tuyết thì có nghĩa là nhiệt độ Trái đất không tăng lên. Trên thực tế, nền nhiệt kỷ lục được ghi nhận ngày càng tăng và nhiệt độ trên Trái đất đang tăng nhanh hơn nhiều so với hàng nghìn năm trước.
Cơ quan thời tiết Đức giải thích: Một hành tinh ấm lên sẽ khiến nước sẽ bốc hơi nhiều hơn vào bầu khí quyển. Độ ẩm trong khí quyển tăng thêm sẽ tạo điều kiện cho các đám mây mưa hình thành. Trong những tháng ấm hơn, điều này có thể gây ra lũ lụt kỷ lục. Nhưng vào mùa Đông, khi một nửa bán cầu Trái đất nằm cách xa Mặt trời - nhiệt độ giảm xuống và thay vì những trận mưa như trút nước, chúng ta có thể gặp những trận mưa tuyết lớn hoặc bão tuyết khủng khiếp. Tuy nhiên không phải tuyết nào cũng giống nhau.
Tuyết giờ đây không còn tồn tại lâu vì nhiệt độ thường xuyên dao động trong mùa đông. Nếu tuyết rơi thì thường cũng chỉ 1 tuần sau là tuyết tan. Tuyết tan nhanh lại có thể dẫn đến lũ lụt, tất cả những điều này càng trở nên trầm trọng hơn do thực tế là mùa Đông đang rút ngắn lại vì nhiệt độ toàn cầu ấm hơn.
Không chỉ thế, khi nhiệt độ ấm hơn, tuyết có xu hướng ẩm, như vậy nó chứa rất nhiều nước và trở nên nặng hơn. Sức nặng của tuyết tăng nhanh hơn nhiều như vậy thì sẽ khiến các mái nhà phải chịu lực nặng hơn khi tuyết bao phủ. Do đó, các quốc gia cũng cần nghiên cứu đến khả năng chịu tải của mái nhà và các cơ sở hạ tầng khác trong những mùa Đông sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!