Nếu việc cung cấp khí đốt thực sự bị cắt, các cơ sở này có thể đảm bảo lượng nhiên liệu trong khoảng 3 tháng.
Ông Klaus-Dieter Maubach - Giám đốc điều hành Uniper Deutschland cho biết: "Nước Đức có các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên lớn, chúng tôi đang lưu trữ một lượng khí đốt khổng lồ và chúng tôi hy vọng có thể sử dụng lợi thế của mình".
Các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên được lấp đầy vào mùa đông. Lượng khí đốt dự trữ gần như được sử dụng hết vào tháng Tư. Vào mùa hè, kho lưu trữ được lấp đầy lại. Năm nay, nguồn cung từ Nga thấp hơn, đồng nghĩa với việc lượng khí đốt được tích trữ ít hơn. Hiện tại, lượng dự trữ chỉ đạt khoảng 33%, nhiều quốc gia đang tiết kiệm khí đốt nhiều nhất có thể trước khả năng xảy ra lệnh cấm khí đốt của Nga, họ không muốn phụ thuộc vào thị trường. Đức thậm chí còn đưa ra một luật mới.
Ông Klaus Müller - Cơ quan mạng lưới liên bang về khí đốt: "Kho dự trữ khí đốt phải đạt 80% vào ngày 1/10 và 90% vào ngày 1/11. Cơ quan Mạng lưới Liên bang về Khí đốt sẽ giám sát việc này".
Nhưng cơ sở lưu trữ khí đốt đầy đủ chỉ là một phần của giải pháp. Một lựa chọn khác là khí đốt tự nhiên hóa lỏng (hay LNG), có thể thay thế nguồn cung khí đốt của Nga. Khí hóa lỏng được bơm từ bể chứa qua đường ống ngầm đến hệ thống khí đốt của châu Âu. Các bể khí đốt tự nhiên hóa lỏng chủ yếu nằm ven biển. Bể chứa LNG đầu tiên của Đức hiện mới được xây dựng, ba chiếc nữa đang được lên kế hoạch.
Các quốc gia ở châu Âu được kết nối với nhau bằng hệ thống đường ống dẫn khí đốt. Họ có thể giúp đỡ lẫn nhau, bán LNG cho nhau và cùng dự trữ khí đốt. Đây là một lợi thế khác có thể giúp họ độc lập với khí đốt của Nga.
Giáo sư Claudia Kemfert - Học viện Nghiên cứu kinh tế Đức: "Châu Âu có sự chuẩn bị khá tốt cho việc nhập khẩu khí đốt, nhiều nước châu Âu trong những năm qua đã đa dạng hóa việc nhập khẩu, đặc biệt là họ đã xây dựng các bể chứa khí đốt hóa lỏng và một chiến lược đa dạng hóa cho phép dòng khí đốt từ phương Tây sang Đông, không chỉ từ Đông sang Tây".
Đức và phần còn lại của châu Âu đã sử dụng ít khí đốt của Nga hơn trước. Một số chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu việc sử dụng khí đốt hơn nữa, các nhà máy điện than của châu Âu sẽ cần phải hoạt động. Nhưng năng lượng sẽ đắt hơn đối với cả cá nhân và các công ty, nó sẽ gây ra những hậu quả cho nền kinh tế. Và có thể vào mùa đông tới, nhiều người ở châu Âu phải trả giá khí đốt cao hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!