Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC ông Dịch Cương cho biết, dù Trung Quốc mới chỉ trong giai đoạn đầu thử nghiệm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số nhưng số lượng các giao dịch đối với đồng tiền này vẫn đang tăng lên với tốc độ đáng kể.
Việc sử dụng đồng tiền số tại quốc gia này đã tăng phi mã, đạt 4 triệu giao dịch với giá trị lên tới 2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 299 triệu USD) tại 4 thành phố thí điểm của Trung Quốc là Thâm Quyến, Tô Châu, An Tây và Thành Đô. Theo đó, lượng giao dịch với đồng tiền số này đã tăng 21%, còn giá trị giao dịch tăng 82% so với cuối tháng 8 – từ mức 3,3 triệu giao dịch với giá trị tương đương 1,1 tỷ Nhân dân tệ.
"Cho đến nay, chương trình thử nghiệm diễn ra khá suôn sẻ", ông Dịch cho biết trong hội nghị về công nghệ tài chính tại Hong Kong (Trung Quốc).
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC (Nguồn: Reuters)
PBoC cho biết, hiện đã có hơn 12.000 trường hợp sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, đánh dấu mức tăng gần gấp đôi so với 6.700 trường hợp hồi cuối tháng 8. Đây được coi là cú nhảy mạnh mẽ trong nỗ lực hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt của Trung Quốc thông qua việc sử dụng ví điện tử. Theo hãng tư vấn iResearch, giá trị giao dịch đối với đồng tiền số được dự báo sẽ đạt 412.000 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2025, so với 201.000 tỷ Nhân dân tệ hồi năm ngoái.
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được cho là có thể thúc đẩy khả năng giám sát các hoạt động kinh tế của ngân hàng trung ương. Các giao dịch như chuyển khoản và tín dụng hiện đã được số hoá ở hầu hết các nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Dịch, đồng nhân dân tệ vẫn cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý với quy định khá phức tạp để nâng cao tính minh bạch. Những bước đi tiếp theo hoàn thiện dự án này vẫn được Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để ngỏ.
Dù thời điểm Trung Quốc chính thức phát hành đồng tiền số vẫn chưa được tiết lộ, song giới chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hành đồng tiền kỹ thuật số.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Dịch Cương (Nguồn: Reuters)
Tháng trước, PBoC đã công bố một dự thảo luật nhằm hợp pháp hóa hệ thống thanh toán tiền điện tử DCEP (Digital Currency Electronic Payment). Thời gian hoàn tất quá trình này, cũng như khả năng liệu ông Yi có tham gia vào dự thảo luật này hay không hiện vẫn là dấu hỏi.
Ông Dịch cho biết PBoC đã hoàn tất thiết kế của DCEP. Bên cạnh việc thử nghiệm hệ thống thanh toán DCEP với bên thứ ba tại 4 thành phố thí điểm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố sẽ sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số tại Thế vận hội Olympic Mùa đông năm 2022.
Các tính năng như mã QR và giao dịch chạm sẽ được thiết lập để thay thế tiền giấy và tiền xu. Tuy nhiên, do quá trình này mất khá nhiều thời gian nên đồng tiền kỹ thuật số vẫn sẽ tồn tại song song cùng những đồng tiền truyền thống khác trong thời gian dài sắp tới.
Tại một cuộc họp mới đây do Giám đốc điều hành Eddie Yue của Cơ quan tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) điều hành, ông Dịch khẳng định, PBoC sẽ hợp tác với các ngân hàng trung ương khác nhằm thiết lập khuôn pháp lý cho loại tiền kỹ thuật số quốc gia trên toàn cầu. "Tôi muốn hợp tác với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Ủy ban ổn định tài chính FSB và các ngân hàng trung ương quốc tế, thảo luận về khuôn khổ pháp lý cũng như thúc đẩy tính minh bạch và quá trình phát triển của loại tiền kỹ thuật số này", ông Dịch chia sẻ.
PBOC bơm 140 tỷ Nhân dân tệ vào hệ thống ngân hàng để duy trì tính thanh khoản (Nguồn: Reuters)
Trước đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phát hành 10 triệu Nhân dân tệ điện tử (tương đương 2 triệu USD) cho 50.000 người tiêu dùng được lựa chọn ngẫu nhiên. Đây được coi là lần thử nghiệm công khai đầu tiên của đồng nhân dân tệ điện tử và có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế đứng thứ hai thế giới.
Bên cạnh đồng tiền điện tử, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng rót số lượng lớn tiền mặt vào hệ thống ngân hàng thông qua các hoạt động thị trường mở nhằm duy trì tính thanh khoản. 140 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 20,8 tỷ USD) đã được bơm vào thị trường trong 7 ngày với lãi suất 2,2% thông qua hoạt động repo đảo ngược - mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại và bán lại trong tương lai.
Trước đó, hồi tháng 10, 70 tỷ nhân dân tệ (khoảng 10, 46 tỷ USD) cũng được bơm vào thị trường thông qua hoạt động tương tự trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ tăng trưởng mạnh mẽ khi Trung Quốc đại lục bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi sau thời kỳ đỉnh dịch, vượt qua cả đồng bạc xanh vốn được coi là "vịnh tránh bão" trong thời kì kinh tế toàn cầu bất ổn do đại dịch.
Tuy nhiên, theo David Roche, chủ tịch Independent Strategy, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn còn "một chặng đường dài" trước khi tiến gần đến việc thách thức vị thế của đồng đô la Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!