Hành khách tại sân bay quốc tế OR Tambo ở Nam Phi ngày 26/11. (Ảnh: AP)
Đây là nhận định của các nhà khoa học Anh đang chủ nhiệm công trình nghiên cứu về tăng cường hiệu quả vaccine COVID-19 của hãng AstraZeneca.
Phát biểu trên sóng phát thanh của BBC ngày 27/11, Giáo sư Andrew Pollard, Giám đốc Nhóm vaccine Oxford, cho rằng, các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay có thể vẫn hiệu quả với biến thể Omicron. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể được khẳng định rõ ràng trong vài tuần tới sau khi giới khoa học có thêm nhiều dữ liệu để nghiên cứu sâu về biến chủng mới này.
Theo Giáo sư Pollard, "cực kỳ ít" nguy cơ bùng phát một đại dịch mới như năm 2020 khi biến thể Delta xuất hiện do hiện nhiều người dân trên thế giới đã được tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19. Trong trường hợp cần thiết, với những gì đã có với các loại vaccine hiện nay, giới khoa học có thể nhanh chóng phát triển một loại vaccine mới để ngăn chặn biến thể Omicron.
Dù chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron, vào tối 25/11, Chính phủ Anh đã thông báo các quy định mới về hạn chế đi lại đối với hành khách từ 6 nước châu Phi, trong đó có Nam Phi. Mỹ và các nước châu Âu khác cũng có động thái tương tự.
Nhiều quốc gia đã áp đặt hạn chế chuyến bay, nhập cảnh từ một số nước châu Phi. (Ảnh: AP)
Bỉ đã trở thành nước đầu tiên ở châu Âu ghi nhận bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron. Ngày 27/11, giới chức Hà Lan thông báo đã phát hiện 61 ca mắc COVID-19 trong số những người đến từ Nam Phi và đang tiến hành xét nghiệm khẩn cấp xem liệu những trường hợp này có nhiễm biến thể Omicron hay không. Anh, Đức và Italy đã ghi nhận những trường hợp nhiễm biến thể mới.
Các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới như AstraZeneca, Pfizer, BioNTech, Moderna ...cũng thông báo nghiên cứu về Omicron và tự tin có thể đối phó hiệu quả với biến thể này.
Trong khi đó, “siêu biến thể” Omicron xuất hiện ở châu Phi khiến thế giới lại một lần nữa tranh cãi về việc hạn chế nhập cảnh có tác dụng trong ngăn chặn biến thể lây lan hay không. Theo kênh Fox News, biến thể Omicron xuất hiện ở Botswana và Nam Phi đang khiến nhiều nước lại áp đặt đợt hạn chế nhập cảnh mới khi vừa mới bắt đầu nới lỏng chưa được bao lâu.
Rủi ro mà Omicron gây ra hiện vẫn chưa rõ, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi nó là biến thể đáng quan ngại. Các chính phủ cũng không chờ giới khoa học tìm hiểu kỹ hơn về Omicron và đã nhanh chóng áp đặt hạn chế chuyến bay, nhập cảnh từ một số nước châu Phi.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi phản đối mạnh mẽ lệnh cấm nhập cảnh với người tới từ các quốc gia có ca mắc Omciron.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!