Hàn Quốc bồi thường cho người nuôi chó trước lệnh cấm vào năm 2027

Quỳnh Chi (Theo The Korea Times)-Thứ ba, ngày 01/10/2024 06:45 GMT+7

(Ảnh: The Korea Times)

VTV.vn - Hàn Quốc đã công bố kế hoạch bồi thường cho nông dân trong ngành công nghiệp thịt chó đang suy yếu trước khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực vào năm 2027.

Lệnh cấm thịt chó chính thức đang vấp phải sự phản đối của cả nông dân nuôi chó và các nhà hoạt động vì quyền động vật.

Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một dự luật mang tính bước ngoặt vào tháng 1, theo đó sẽ cấm giết mổ, nhân giống hoặc bán thịt chó để làm thực phẩm cho con người sau thời gian gia hạn 3 năm. Hành vi này sẽ bị phạt tù từ 2 - 3 năm.

Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết nông dân sẽ nhận được khoản bồi thường từ 225.000 Won (170 USD) và tăng lên tới 600.000 Won (451 USD) cho mỗi con chó, nếu họ đồng ý đóng cửa doanh nghiệp của mình sớm.

Có khả năng nông dân nuôi chó sẽ không chấp nhận lời đề nghị này, vì trước đó họ đã yêu cầu 2 triệu Won (1.505 USD) cho mỗi con chó. Những người nông dân cho rằng lệnh cấm này xâm phạm quyền tự do và sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn về kinh tế của họ. Trong một tuyên bố vào ngày 24/9, một hiệp hội những người nuôi chó đã kêu gọi sửa đổi luật để kéo dài thời gian gia hạn và bổ sung các kế hoạch bồi thường phù hợp.

Ông Sang-kyung Lee - Giám đốc chiến dịch tại văn phòng Hàn Quốc của tổ chức chống ngược đãi động vật Humane Society International - gọi thông báo của Hàn Quốc là "một cột mốc quan trọng trong lệnh cấm mang tính lịch sử, sẽ chấm dứt "kỷ nguyên thịt chó" của đất nước chúng ta mãi mãi".

Hàn Quốc bồi thường cho người nuôi chó trước lệnh cấm vào năm 2027 - Ảnh 1.

Người phản đối thịt chó tập trung trước Tòa nhà Chính phủ Sejong, ngày 8/8 (Ảnh: Yonhap)

Tuy nhiên, ông Sang-kyung Lee cho biết văn phòng của ông "thất vọng" với kế hoạch của Hàn Quốc liên quan tới việc sẽ trả tiền cho nông dân dựa trên số lượng chó mà họ có. Điều này có thể dẫn đến "khả năng tăng cường nhân giống chó để kiếm thêm tiền từ chương trình bồi thường và nhiều chú chó con bị sinh ra trong đau khổ".

Tiêu thụ thịt chó là một tập tục đã có từ nhiều thế kỷ trên bán đảo Triều Tiên. Thịt chó được ăn ở Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và một số nước châu Phi. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thịt chó của Hàn Quốc đã thu hút nhiều sự chú ý hơn vì danh tiếng của nước này với tư cách là một cường quốc văn hóa và kinh tế. Đây cũng là quốc gia duy nhất có các trang trại nuôi chó quy mô công nghiệp.

Chiến dịch chống thịt chó của Hàn Quốc đã nhận được sự ủng hộ lớn từ đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee - người đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với lệnh cấm. Bà đã phải chịu đựng những lời chỉ trích gay gắt và những lời lăng mạ thô lỗ trong các cuộc biểu tình của nông dân.

Các cuộc khảo sát cho thấy cứ 3 người Hàn Quốc thì có 1 người phản đối lệnh cấm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc Park Beom-su nói với các phóng viên rằng những nghiên cứu của Chính phủ nước này phát hiện ra rằng hiện có khoảng 466.000 con chó đang được nuôi để lấy thịt trên khắp Hàn Quốc. Ông cho biết giới chức Hàn Quốc sẽ nỗ lực thuyết phục nông dân tự nguyện ngừng nhân giống chó trước khi lệnh cấm có hiệu lực.

Theo ông Park Beom-su, sau khi lệnh cấm có hiệu lực, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tạo điều kiện cho việc nhận nuôi những con chó còn lại hoặc chuyển chúng đến các cơ sở chăm sóc thay vì tiêu hủy.

Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc xác nhận những người bán thịt chó cũng sẽ được bồi thường, trong khi chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm tháo dỡ các trang trại và lò giết mổ chó. Nông dân và người bán thịt chó trước đây sẽ được vay vốn với lãi suất thấp nếu họ chuyển đổi nghề nghiệp. Chính quyền sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các thương nhân và chủ nhà hàng để đóng cửa doanh nghiệp của họ và tìm việc làm mới.

Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật cấm thịt chó mang tính bước ngoặt Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật cấm thịt chó mang tính bước ngoặt

VTV.vn - Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật loại bỏ tiêu thụ thịt chó thông qua một cuộc bỏ phiếu nhất trí về đạo luật mà Tổng thống nước này đã cam kết ban hành thành luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước