Hơn 40.000 người biểu tình ở Vienna đã xuống đường sau khi Chính phủ Áo quyết định áp đặt lệnh cấm vào tháng 11. Trong khi đó, hàng nghìn người ở thị trấn Utrecht của Hà Lan phản đối các biện pháp hạn chế được áp dụng bắt đầu vào cuối tuần trước.
Khoảng 1.200 sĩ quan cảnh sát được triển khai vào ngày 4/12 để kiềm chế những người biểu tình trên đại lộ Ring, trung tâm thành phố Vienna của Áo. Ngoài ra, còn có một cuộc biểu tình phản đối với sự tham gia của khoảng 1.500 người. Cả hai cuộc biểu tình đều được cho phép theo các điều khoản của lệnh cấm tại Áo.
Tháng 11/2021, Áo đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Tây Âu áp dụng biện pháp cấm vận đối với người không tiêm chủng vaccine COVID-19 dự kiến kéo dài trong 20 ngày và cho biết, những người này sẽ bắt buộc phải tiêm chủng từ tháng 2/2022.
Người biểu tình tuần hành ở Vienna, Áo. (Ảnh: AP)
Tại thị trấn Utrecht, miền Trung Hà Lan, hàng nghìn người đã biểu tình chống lại các hạn chế bắt đầu có hiệu lực vào cuối tuần trước. Những người biểu tình mang theo các biểu ngữ. Lực lượng cảnh sát đông đảo đã hiện diện.
Đây là cuộc biểu tình lớn đầu tiên ở Hà Lan phản đối các biện pháp hạn chế, bao gồm lệnh bắt buộc các quán bar, nhà hàng và hầu hết cửa hàng phải đóng cửa vào ban đêm nhằm ngăn chặn làn sóng gia tăng số ca mắc COVID-19 đang đe dọa gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe tại nước này.
Hai tuần trước, các cuộc biểu tình bạo lực đã diễn ra sau khi Chính phủ Hà Lan công bố kế hoạch cấm hầu hết những người chưa được tiêm vaccine COVID-19 vào các quán bar, nhà hàng và những nơi công cộng khác. Các kế hoạch vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong quốc hội và vẫn chưa được ban hành.
Biểu tình tại thị trấn Utrecht, miền Trung Hà Lan. (Ảnh: AP)
Tại thủ đô tài chính Frankfurt của Đức, cảnh sát đã đụng độ với hàng trăm người biểu tình không đeo khẩu trang hoặc không duy trì giãn cách xã hội. Cảnh sát Đức đã sử dụng dùi cui và bình xịt hơi cay sau khi họ bị một những người biểu tình tấn công.
Và ở thủ đô Berlin của Đức, nơi chính phủ mới sẽ nhậm chức trong vòng vài ngày tới, các nhóm biểu tình đã tụ tập để phản đối sau khi một cuộc biểu tình quy mô lớn bị cấm.
Các chính trị gia Đức đã lên án một cuộc biểu tình của những người phản đối các biện pháp hạn chế diễn ra vào cuối ngày 3/12 trước cửa nhà của bà Petra Koepping, Bộ trưởng Bộ Y tế bang Sachsen, miền Đông nước Đức, địa phương hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất tại nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!