Hàng loạt khó khăn liên quan đến vaccine COVID-19, liệu các quốc gia nghèo có "lực bất tòng tâm"?

Chuyển động 24h-Thứ năm, ngày 19/11/2020 14:15 GMT+7

VTV.vn - Tính đến thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 3 loại vaccine COVID-19 trên thế giới được các nhà sản xuất tuyên bố có hiệu quả hơn 90%.

Các quốc gia giàu có đã "nhanh chân" đặt hàng trước hàng chục triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người dân của mình. Trong khi đó, triển vọng có được vaccine COVID-19 cho những quốc gia nghèo hơn lại chưa rõ ràng. Đây là thông tin được các trang báo quốc tế đề cập.

25 USD/liều vaccine COVID-19 là mức giá mà Ủy ban châu Âu muốn thỏa thuận với tập đoàn dược phẩm Mỹ Moderna. Theo kênh CNBC, đây là mức giá mà Ủy ban châu Âu đưa ra để mua hàng triệu liều vaccine cung cấp cho người dân trong Liên minh châu Âu. Nếu việc đàm phán thành công, mức giá này cao hơn giá mà hãng Moderna đã bán cho Chính phủ Mỹ trong thỏa thuận vào tháng 8 vừa qua (15 USD/liều).

Trong khi đó, theo tờ Người bảo vệ của Anh, giá mỗi liều của các loại vaccine khác dường như rẻ hơn so với vaccine của Moderna. Các quốc gia với tiềm lực tài chính hùng hậu không chỉ dựa vào chất lượng mà còn tùy vào giá thành để gom hàng, khiến những nước nghèo hơn có ít lựa chọn khi đặt mua vaccine. Thậm chí, các nước nghèo sẽ phải xếp hàng thật lâu trong danh sách đăng ký vaccine "bổ, rẻ".

Hàng loạt khó khăn liên quan đến vaccine COVID-19, liệu các quốc gia nghèo có lực bất tòng tâm? - Ảnh 1.

Triển vọng về tiếp cận vaccine COVID-19 tại những quốc gia nghèo hiện chưa rõ ràng. (Ảnh: AP)

Ngay cả khi mua được vaccine, không phải quốc gia nào cũng có khả năng lưu trữ. Hãng truyền thông CNN đã phân tích rất kỹ về điều kiện lưu trữ vaccine COVID-19. Trong đó, vaccine của Pfizer và BioNTech phải được bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh -70oC. Với điều kiện này, ngay cả Mayo Clinic, một trong những cơ sở y tế hàng đầu tại Mỹ, cũng cho biết, họ không có đủ phòng lạnh đạt tiêu chuẩn để lưu trữ. Do đó, những quốc gia nghèo hoặc đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và nạn đói càng "lực bất tòng tâm".

Bên cạnh đó, còn có vấn đề vận chuyển vaccine COVID-19. Mạng lưới truyền hình toàn cầu CGTN của Trung Quốc đã phân tích về vấn đề này trong một bài xã luận. Bài báo nhắc tới chuyện tập đoàn hậu cần khổng lồ SF Express của Trung Quốc đã làm việc với các nhà cung cấp vaccine để giúp phân phối tới những vùng xa xôi hẻo lánh. SF cho biết đã chuẩn bị hơn 200 xe chuyên dụng để vận chuyển các sản phẩm y tế trong dây chuyền lạnh, kho lạnh tại 11 thành phố trên khắp đất nước.

Công ty Hàng hải Quốc tế Trung Quốc (CIMC) đã phát triển loại container có hệ thống bảo quản lạnh, hệ thống áp suất dương làm mát và hệ thống khử hoạt tính để đảm bảo chất lượng vaccine trong suốt quá trình vận chuyển dài, kể cả khi thay đổi qua nhiều phương tiện khác nhau. Tất cả những khó khăn trên đồng nghĩa, nếu không có sự hỗ trợ của các nước giàu, Tổ chức Y tế Thế giới hay những quỹ từ thiện, chắc chắn việc tiếp cận vaccine tại các nước nghèo sẽ rất khó khăn.

Hàng loạt khó khăn liên quan đến vaccine COVID-19, liệu các quốc gia nghèo có lực bất tòng tâm? - Ảnh 2.

Điều kiện bảo quản, vận chuyển vaccine COVID-19 còn rất ngặt nghèo. (Ảnh: AP)

Nghiên cứu mới công bố của Đại học Northeastern, Mỹ thậm chí còn cung cấp những bằng chứng cho thấy, tỷ lệ dân số được tiêm vaccine có liên hệ với tỷ lệ tử vong vì COVID-19. Nghiên cứu được tiến hành theo hai kịch bản: 50 quốc gia giàu có độc quyền tiếp cận 2 tỷ liều vaccine đầu tiên và vaccine được phân bổ theo quy mô dân số thay vì theo khả năng chi trả.

Kết quả cho thấy, ở kịch bản đầu tiên, hiệu quả giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu là 33%, trong khi ở kịch bản thứ hai, hiệu quả lên tới 61%. Theo đó, số ca tử vong sẽ tăng gấp đôi nếu các nước giàu độc quyền tiếp cận vaccine.

Lường trước vấn đề cầu vượt cung khi một loại vaccine được cấp phép, Tổ chức Y tế Thế giới đã thành lập Cơ chế tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX) để đảm bảo phân bổ vaccine một cách công bằng. COVAX nhận được cam kết của nhiều chính phủ, nhà khoa học, tổ chức cộng đồng và tư nhân. Tuy nhiên, có một chi tiết cần lưu ý là Pfizer không tham gia liên minh này.

Vaccine COVID-19 của Pfizer đạt hiệu quả tới 95%, xin phê duyệt để dùng khẩn cấp Vaccine COVID-19 của Pfizer đạt hiệu quả tới 95%, xin phê duyệt để dùng khẩn cấp Vaccine COVID-19 được vận chuyển như thế nào? Vaccine COVID-19 được vận chuyển như thế nào? Vaccine COVID-19 cho hiệu quả tới 90%: Rủi ro rơi vào khoảng 10#phantram còn lại? Vaccine COVID-19 cho hiệu quả tới 90%: Rủi ro rơi vào khoảng 10% còn lại?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước