Khi mà dịch COVID-19 dần được kiểm soát, thực đơn tin tức của chúng ta cũng bắt đầu đầu trở nên đa dạng hơn. Hàng loạt sự kiện quốc tế làm xôn xao cộng đồng mạng những ngày vừa qua. Gầy đây nhất là chuyện chỉ chuyển từ vuông sang tròn mà mất tới 7 tỷ đồng và tận 3 năm để hoàn thiện.
Thông tin hãng điện tử Xiaomi đổi logo đang nhận được sự quan tâm khá lớn. Nhiều người cho rằng đây là mức giá quá đắt, thậm chí là phi lý đến nực cười cho 1 chiếc logo mới chẳng quá khác biệt. Thế nhưng dưới góc độ truyền thông, 7 tỷ đồng có lẽ là quá rẻ để thương hiệu này được cư dân mạng từ khắp trời Á tới Âu bàn tán về câu chuyện viral vuông vuông tròn tròn.
Khi thương hiệu lớn làm thương hiệu
Nhiều người cho rằng sự thay đổi của Xiaomi là "đi vào lòng đất", nhưng đừng quên hãng này công bố logo đúng thời điểm ra mắt dòng điện thoại mới. Còn quá sớm để nói đến doanh thu nhưng hiệu ứng truyền thông mà Xiaomi đạt được có lẽ không hề nhỏ. Hiệu ứng truyền thông này có gì đó khá giống cách hãng xe Volkswagen thu hút sự chú ý.
Những ý tưởng về logo của Xiaomi trước khi thiết kế cuối cùng được lựa chọn. Ảnh: VTV.vn
Đầu tuần này, Volkswagen bất ngờ thông báo sẽ đổi tên công ty con ở Mỹ thành Voltswagen nhằm đánh dấu sự chuyển hướng của hãng xe này sang dòng xe ô tô điện. Cổ phiếu của hãng xe tăng mạnh phiên hôm sau vì giới đầu tư đánh giá cao xu hướng xanh hợp thời này. Tuy nhiên, Volkswagen sau đó đã công khai xin lỗi rằng đây chỉ là một trò đùa nhân ngày Cá tháng Tư, và bị phản ứng dữ dội cho rằng hãng này dùng chiêu gây nhiễu thông tin để làm lợi cho mình. Thế mới biết, trong tiếp thị, chỉ một bước đi không khéo là phản tác dụng. Cái bạn cần trước tiên vẫn là không thể đánh lừa người khác, dù đó có là một chiêu truyền thông tiếp thị.
Một diễn biến khác thu hút đông đảo sự chú ý của thế giới chính là sự cố siêu tàu chở hàng Ever Given, dài tới 400 mét mắc kẹt tại kênh đào Suez. Sau 1 tuần mắc cạn, con tàu đã được giải cứu, khơi thông tuyến kênh huyết mạch, khiến bao hãng vận tải thở phào nhẹ nhõm.
Trong quá trình giải cứu, đội cứu hộ đã nạo vét cả trăm nghìn tấn cát, hàng chục tàu lai dắt, vừa kéo vừa đẩy siêu tàu ra khỏi chỗ mắc cạn. Cư dân mạng sốt sắng không kém, khẩn trương vào cuộc cung cấp nhiều giải pháp cứu tàu... dở khóc dở cười.
Vụ tắc nghẽn kênh đào Suez gây bão mạng xã hội
Cả trên các trang mạng xã hội và những trang tin tức online, cư dân mạng được dịp trổ tài trở thành chuyên gia cứu hộ.
Tàu Ever Given bị mắc kẹt, gây thiệt hại lớn cho thương mại toàn cầu. Ảnh Reuters.
Chẳng hạn như hình ảnh người đàn ông lái máy xúc cát, nhìn qua cũng thấy kích cỡ của chiếc máy xúc chỉ "bé như hạt tiêu" khi so với phần chân tàu. Để cổ vũ tinh thần nhân viên cứu hộ, bức ảnh đã được đặt dòng chú thích với nội dung: Tôi sẽ cố hết sức, nhưng không hứa hẹn gì đâu đấy.
Hay dân mạng còn so sánh kích thước đối lập giữa cả hai giống như việc cả nhà đang dùng mạng wifi, còn bạn ngốn đường truyền bằng cách tải game nặng hơn 100GB.
Hai diễn viên chính trong bom tấn điện ảnh Kong và Godzilla cũng được điều tới xử lý ca mắc cạn nặng ký này.
Còn những người mơ mộng có thể nghĩ đến giải pháp buộc bóng bay vào tàu để nhấc bổng khó khăn này lên nào hoặc là mở thêm một kênh đào khác từ vị trí mắc kẹt.
Set đồ color block được phối theo cảm hứng container hàng hóa Ever Given thậm chí còn gây bão trên mạng xã hội Twitter. Đúng là đẹp hay xấu còn nằm ở cách mà người ta tạo ra câu chuyện cho nó.
Sự kỳ thị người gốc Á tăng mạnh khắp thế giới
Đáng tiếc là tuần vừa qua, không phải chủ đề nóng nào cũng có góc độ tích cực. Tin tức về các vụ tấn công bạo lực... tội ác xuất phát từ sự thù ghét nhằm vào người gốc Á khiến dư luận phẫn nộ. Điều đáng nói là sự kỳ thị người gốc Á không chỉ xuất hiện ở Mỹ, mà có dấu hiệu tăng nhanh ở hàng loạt khu vực trên thế giới. Tờ Time trích báo cáo của các tổ chức xã hội... ở Italy, Nga và Brazil đã ghi nhận nhiều trường hợp kỳ thị và chống người gốc Á mùa hè năm ngoái.
Biểu tình phản đối kỳ thị người gốc Á ở Garfield, Alhambra (California) hôm 21/3. Ảnh: Los Angeles Times
Tại New Zealand, báo cáo của Ủy ban Nhân quyền nước này công bố vào tháng trước cho thấy quá nửa số người gốc Hoa trả lời khảo sát cho biết, họ bị phân biệt đối xử kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Tình trạng kỳ thị tăng lên trong khoảng thời gian đại dịch tác động nhiều đến cuộc sống.
Dữ liệu của cảnh sát Anh cho thấy, số vụ bạo lực nhằm vào người gốc Á tăng tới 300% trong quý đầu tiên của năm 2020 so với cùng kỳ 2 năm liền trước đó. Trong năm qua ở Anh, các chủ nhà hàng Trung Quốc khiếu nại về các vụ hành hung và miệt thị. Thậm chí, các y tá gốc Á làm việc cho chính phủ Anh bị kỳ thị bởi chính các bệnh nhân mà họ đang chăm sóc.
Theo nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu về hận thù và chủ nghĩa cực đoan thuộc Đại học bang California, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tội phạm thù hận nhằm vào người gốc Á đã tăng tới 150% ở các thành phố lớn nhất của Mỹ. Nhiều vụ hành hung xảy ra giữa ban ngày, ngay chỗ công cộng nhiều người qua lại, song không có bất kỳ ai can thiệp.
Quan chức chính phủ Mỹ từng gọi virus gây bệnh COVID-19 là virus Trung Quốc. Quan điểm này bị chỉ trích khi không có bằng chứng khoa học xác thực và mang nặng tính phân biệt kỳ thị. Nhưng những kẻ thù ghét đã dựa vào đó mà quy chụp trách nhiệm lên cộng đồng gốc Á. Sự thù ghét như cái nồi hơi, dịch bệnh như ngọn lửa. Lửa càng to càng khiến nồi hơi bung nắp bất kì lúc nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!