Tờ Bild am Sonntag đưa tin vào ngày 28/10, trích dẫn dữ liệu của Cảnh sát Liên bang Đức.
Người tị nạn Ukraine dẫn đầu trong danh sách bị từ chối nhiều nhất chỉ tính riêng tại biên giới đất liền của Đức, tiếp theo là người Syria và công dân Afghanistan, với số lượng bị từ chối lần lượt là 4.709 và 2.396.
Theo cảnh sát Đức, một nỗ lực vượt biên được coi là bất hợp pháp khi một người di cư cố gắng nhập cảnh mà không có giấy phép cư trú hợp lệ - theo trích dẫn của báo Bild am Sonntag. Việc từ chối cũng có thể xảy ra, đặc biệt là nếu những người nhập cảnh không được đăng ký là người xin tị nạn hoặc nếu họ bị cấm tạm thời nhập cảnh trở lại nước này.
Tổng cộng Cảnh sát Liên bang Đức đã phát hiện 53.410 nỗ lực nhập cảnh trái phép vào nước này trong 9 tháng đầu năm 2024. Tờ báo lưu ý rằng hầu hết các trường hợp bị từ chối xảy ra tại biên giới Đức với Thụy Sĩ (9.113 người). Tiếp theo là các điểm kiểm soát ở biên giới với Ba Lan với 7.862 người, Áo và Pháp ghi nhận lần lượt 5.468 và 2.350 lần nhập cảnh bất hợp pháp.
Theo báo cáo, chính quyền Đức đã xác định được 1.482 người di cư bị trục xuất. Những người đã cố gắng nhập cảnh trở lại bất chấp lệnh cấm đã ban hành trước đó. Bên cạnh đó, cảnh sát Đức đã bắt giữ 1.195 đối tượng buôn lậu người di cư và phát hiện ra 1.088 hoạt động buôn lậu. Tổng số vụ bắt giữ từ tháng 1 đến tháng 9 được báo cáo là 7.783.
Người tị nạn Ukraine nhận thức ăn tại căng tin ở trung tâm đăng ký người tị nạn ở Berlin, Đức (Ảnh: Getty Images)
Đức đã trở thành điểm đến chính của người tị nạn Ukraine tại EU kể từ khi xung đột Nga - Ukraine leo thang vào tháng 2/2022. Tính đến tháng 6/2024, Berlin đã tiếp nhận gần 1,1 triệu người di cư Ukraine. Ba Lan đã tiếp nhận 960.000 người, theo Statista. Dữ liệu chính thức từ đầu năm 2023 cho thấy Nga đã chào đón hơn 5,3 triệu người Ukraine.
Ngoài ra, Đức vẫn tiếp tục tiếp nhận người di cư từ những quốc gia khác trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Trung Đông và châu Phi, với tổng số người tị nạn đến Đức lần lượt đạt 2,67 triệu và 1,93 triệu vào năm 2022 và 2023.
Vào tháng 9, Chính phủ Liên bang Đức đã thắt chặt kiểm soát biên giới trong ít nhất 6 tháng, nhấn mạnh rằng biện pháp này có thể được gia hạn. Chính quyền Đức đã tiến hành một loạt cuộc kiểm tra ngẫu nhiên tại các cửa khẩu biên giới với Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg và Pháp, từ đó mở rộng hệ thống kiểm soát biên giới hiện hữu ra toàn bộ biên giới của nước này.
Các cửa khẩu biên giới với Ba Lan, Cộng hòa Czech và Thụy Sĩ đã được kiểm soát kể từ giữa tháng 10/2023. Các biện pháp kiểm soát đã được đưa ra tại biên giới đất liền Đức - Áo vào mùa thu năm 2015.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!