Không giống như ba ngày biểu tình trước đó, không có lời kêu gọi đình công trong ngày trên toàn quốc dược đưa ra. Mặc dù vậy, các kiểm soát viên không lưu tại sân bay thứ hai của Paris đã bất ngờ tổ chức cuộc đình công, dẫn đến việc một nửa số chuyến bay tại sân bay này bị hủy. Cụ thể, các kiểm soát viên không lưu tại sân bay Paris Orly đã tổ chức một cuộc đình công không báo trước, dẫn đến việc hủy 50% các chuyến bay từ sân bay trung tâm thứ hai của Paris từ buổi chiều.
Tổng thống Macron và chính phủ của ông phải đối mặt với "cuộc chiến hai chiều" để thực hiện kế hoạch nâng tuổi hưởng lương hưu từ 62 lên 64. Theo đó, chính quyền Pháp phải vượt qua những cuộc biểu tình, tuần hành cũng như đình công của người dân cũng như thúc đẩy luật được thông qua tại quốc hội.
Công đoàn CGT cho biết, 500.000 người đã biểu tình chỉ riêng ở Paris, cao hơn con số 400.000 người được tính vào ngày biểu tình cuối cùng 7/2. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Pháp, thường đưa ra con số thấp hơn nhiều, cho biết, có 963.000 người biểu tình trên toàn quốc, trong đó có 93.000 người ở Paris.
Những người biểu tình phản đối tăng tuổi nghỉ hưu ở thủ đô nước Pháp đã đi theo con đường biểu tình truyền thống từ Quảng trường Cộng hòa đến Quảng trường Quốc gia, đằng sau một biểu ngữ có nội dung: "Không làm việc lâu hơn!".
Căng thẳng đã xảy ra khi một chiếc ô tô và một thùng rác bị lật và bốc cháy, khiến cảnh sát cầm khiên và đội cứu hỏa phải can thiệp.
Cuộc tuần hành do các nhà lãnh đạo của 8 công đoàn chính của Pháp dẫn đầu, duy trì sự thống nhất chặt chẽ mà Chính phủ Pháp cho đến nay vẫn chưa thể phá vỡ. Các công đoàn cho biết trong một tuyên bố chung rằng họ sẽ kêu gọi một cuộc đình công toàn quốc để "đưa nước Pháp vào tình trạng bế tắc" vào ngày 7/3 nếu chính phủ "phớt lờ yêu cầu của quần chúng".
Ngày tiếp theo cho các cuộc biểu tình và đình công được lên kế hoạch vào ngày 16/2.
Và trong một động thái có nguy cơ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, các công đoàn đại diện cho công nhân làm việc tại hệ thống giao thông công cộng Paris RATP đã kêu gọi đình công từ ngày 7/3.
Họ nói: "Bất chấp sự từ chối của đại đa số dân chúng, chính phủ vẫn có ý định cải cách hưu trí một cách không công bằng và phi lý".
Phát biểu tại Brussels vào tuần trước, Tổng thống Macron kêu gọi các công đoàn thể hiện "tinh thần trách nhiệm" và "không cản trở cuộc sống của phần còn lại của đất nước".
Đảng cầm quyền của ông Macron cũng phải đối mặt với thách thức thúc đẩy luật được thông qua tại quốc hội, nơi đảng này đã mất đa số ghế trong cuộc bầu cử vào năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!