Năm 2020, hàng triệu cử tri mới đã đi bầu cử tại Mỹ. (Ảnh: AP)
Đại dịch toàn cầu đã khiến nhiều người dân Mỹ đi bỏ phiếu sớm thông qua hình thức bỏ phiếu trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Và nhiều người trong số này là những cử tri lần đầu tiên tham gia một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Đến 17h ngày 3/11 (theo giờ Việt Nam), đã có gần 100 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu, chủ yếu là bỏ phiếu từ trước ngày bầu cử chính thức. Con số này tương đương 73% tổng số cử tri đi bầu cử hồi năm 2016. Sự khác biệt trong cuộc bầu cử năm nay có lẽ nằm ở nhóm quan trọng nhất - những người đã không bỏ phiếu từ trước đến nay.
Gần 100 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu. (Ảnh: AP)
Theo phân tích của tờ Người bảo vệ của Anh, năm 2016, 33% người lớn Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu đã không thực hiện quyền bầu cử của họ. Trong cuộc bầu cử đó, có hơn 50% cử tri không đi bầu có trình độ học vấn từ cấp 3 trở xuống. Đây là lực lượng hùng hậu đã bỏ lỡ lá phiếu của họ để bầu chọn Tổng thống.
Xét về khía cạnh thu nhập, hồi năm 2016, có đến gần 60% người không đi bỏ phiếu có thu nhập dưới 30.000 USD/năm. Lượng cử tri da màu không đi bỏ phiếu năm 2016 cũng chiếm gần 50%.
Hàng triệu cử tri Mỹ chưa từng đi bỏ phiếu đã đi bầu cử trong năm nay. (Ảnh: AP)
Như vậy, vào thời điểm cách đây 4 năm, những người chưa đi bầu thuộc các nhóm bị đánh giá thấp về thu nhập, trình độ học vấn và tuổi tác, khiến họ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các chính sách của chính phủ. Tuy nhiên, năm 2020, những bất ổn trong đời sống đã khiến nhiều người trong số này đi bỏ phiếu với hy vọng mang lại sự thay đổi.
Các cử tri trẻ thuộc thế hệ sinh từ năm 1981 - 1996 cũng đi bỏ phiếu nhiều hơn đáng kể so với các cuộc bầu cử trước và họ có nhiều khả năng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Trong khi đó, các cử tri da màu cũng tham gia bầu cử nhiều hơn trong năm nay. Thực tế này được dự đoán sẽ mang lại lợi thế cho đảng Dân chủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!