Hậu COVID-19: Ngành hàng không thế giới vẫn bộn bề trở ngại

Việt Linh (Theo New York Times, Bloomberg, Euronews, BBC)-Thứ năm, ngày 04/06/2020 18:01 GMT+7

VTV.vn - Sau nhiều tháng "đóng băng", các sân bay và điểm đến quốc tế đều đang sẵn sàng chào đón du khách quay trở lại. Nhưng hàng không “bình thường mới” sẽ khác biệt như thế nào?

Ánh sáng cuối đường hầm cho ngành hàng không

Hồi cuối tuần vừa rồi, Cục An ninh vận tải Mỹ (TSA) đã ghi nhận gần 350 nghìn người làm thủ tục kiểm tra an ninh tại các sân bay, con số cao nhất trong vòng 2 tháng kể từ khi dịch COVID-19 lan rộng trên toàn nước này.

Hậu COVID-19: Ngành hàng không thế giới vẫn bộn bề trở ngại - Ảnh 1.

Số lượng hành khách đi máy bay tại Mỹ bắt đầu tăng trở lại

Dù vẫn còn rất nhỏ so với khoảng 1 năm trước, thời điểm có bình quân 2,5 triệu lượt người đi máy bay một ngày, đây vẫn được xem là một tín hiệu tích cực cho thấy các lĩnh vực vận tải như hàng không đã có thể bắt đầu trở lại hậu COVID-19.

Tại Trung Quốc, tâm dịch đầu tiên của thế giới, ngành hàng không trong nước cũng tăng trưởng bùng nổ sau khi dịch được khống chế nhờ các biện pháp khuyến khích người dân tiêu dùng và đi du lịch trong nước. Đến tháng 5, hoạt động hàng không nội địa đã được khôi phục bằng khoảng một nửa so với trước khi dịch bùng phát.

Lĩnh vực lữ hành quốc tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh đóng cửa cũng bắt đầu tìm thấy "ánh sáng cuối đường hầm". Hồi giữa tháng 5, ba nước Latvia, Estonia và Litva đã trở thành nhóm tiên phong thiết lập "bong bóng du lịch", cho phép người dân được đi lại tự do, không bị cấm nhập cảnh hay yêu cầu cách ly. Australia và New Zealand cũng đang lên kế hoạch thiết lập một khối du lịch tương tự giữa hai nước.

Hậu COVID-19: Ngành hàng không thế giới vẫn bộn bề trở ngại - Ảnh 2.

Australia & New Zealand lên kế hoạch thiết lập "bong bóng du lịch" giữa 2 nước

Các nước khác ở châu Âu như Pháp, Đức, Đan Mạch hay Áo cũng đã mở cửa cho một số nước láng giềng lân cận và đang tiến tới mở cửa cho hầu hết các quốc gia trong khối EU vào ngày 15/6 tới đây. Ngay cả Italy, nước có số lượng người tử vong cao nhất EU vì COVID-19, cũng đang rất muốn mở cửa lại biên giới nội khối EU nhằm cứu ngành du lịch, vốn là một trụ cột của nền kinh tế nước này.

Tín hiệu đáng chú ý gần đây nhất là Nhật Bản đã thảo luận với một số nước đối tác gồm Thái Lan, Việt Nam, Australia và New Zealand nhằm dỡ bỏ hạn chế đi lại song phương với các nước này.

Du lịch hàng không "bình thường mới" không hề dễ dàng

Đi lại bằng đường hàng không trên bình diện toàn thế giới trong trạng thái "bình thường mới" được đánh giá là sẽ không dễ dàng khi phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo về phòng dịch và giãn cách xã hội. Khi chưa có vaccine phòng bệnh, nguy cơ COVID-19 quay trở lại vẫn thường trực bất kỳ lúc nào.

Nhìn nhận về tình hình mới, ông Scott Tasker, Giám đốc sân bay quốc tế Auckland (New Zealand), cho rằng: "Chúng ta đều sẽ quay trở lại việc di chuyển nhưng theo một cách thức khác sau cú sốc với ngành hàng không và du lịch hiện nay".

Một cái tên đã phải vừa lập tức đảo ngược kế hoạch vì dịch tiếp tục bùng phát là Lion Air. Hãng hàng không giá rẻ Indonesia đã quyết định tạm dừng mọi chuyến bay từ ngày 5/6, chỉ chưa đầy một tuần từ khi cất cánh trở lại sau khi phát hiện những ca mắc COVID-19 mới.

Hậu COVID-19: Ngành hàng không thế giới vẫn bộn bề trở ngại - Ảnh 3.

Hãng Lion Air (Indonesia) phải tạm dừng kế hoạch bay trở lại do có các ca mắc COVID-19 mới

Hầu hết các kế hoạch hoạt động trở lại của giới hàng không quốc tế đều tuân thủ theo lộ trình được khuyến nghị bởi Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (IATA). Các biện pháp được đưa ra trong lộ trình này bao gồm: truy vết tiếp xúc của hành khách trước chuyến bay, đo thân nhiệt tại cảng hàng không, yêu cầu hành khách sử dụng khẩu trang trong suốt chuyến, cung cấp đồ bảo hộ cá nhân cho nhân viên phi hành đoàn, khuyến khích tự check-in và làm thủ tục hải quan điện tử.

Hậu COVID-19: Ngành hàng không thế giới vẫn bộn bề trở ngại - Ảnh 4.

Những quy tắc phòng dịch hậu COVID-19 được nhiều hãng hàng không thực hiện

Tuy nhiên, tổ chức này không ủng hộ biện pháp giãn cách bằng việc cấm ngồi ghế giữa của một số hãng hàng không vì cho rằng nguy cơ lây nhiễm trong khoang hành khách là rất thấp.

Dù những lộ trình mở cửa thận trọng có thể trấn an hành khách thì nhiều chuyên gia cho rằng rủi ro vẫn luôn tồn tại.

"Các quy tắc mới không trả lời được câu hỏi: Làm sao tôi có thể chắc chắn rằng chỉ những người không mắc bệnh mới được lên máy bay?" - ông Timothy O’Neil-Dunne, quỹ đầu tư hàng không 777 Partners, nhận định - "Cách tốt nhất, theo tôi, là thực hiện xét nghiệm nhanh diện rộng với hành khách tại sân bay".

Những rủi ro và lo ngại khiến nhiều nước tỏ ra dè dặt, dù rất kỳ vọng sớm mở cửa trở lại cho du lịch và giao thương. Đảo Cyprus, một điểm đến du lịch hàng đầu ở Địa Trung Hải, tiếp tục yêu cầu du khách phải có giấy phép y tế xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 mới được phép nhập cảnh. Hay Anh cho phép mở cửa đi lại trở lại vào 6/6 nhưng trừ một số ngoại lệ và người nhập cảnh sẽ phải chịu cách ly 14 ngày.

Chưa hết đại dịch thì những bất đồng về thương mại và ngoại giao cũng đang có nguy cơ leo thang trở lại. Hôm 2/6, chính phủ Mỹ đã yêu cầu các đình chỉ mọi chuyến bay đến và đi từ Mỹ của các hãng hàng không Trung Quốc, nhằm đáp trả yêu cầu tương tự từ phía Trung Quốc đối với các hãng hàng không Mỹ.

Hậu COVID-19: Ngành hàng không thế giới vẫn bộn bề trở ngại - Ảnh 5.

Mỹ đang đe dọa "đóng cửa" với các hãng hàng không Trung Quốc bay tới nước này

Phía Trung Quốc sau đó đã nới lỏng hạn chế và cho phép các hãng hàng không nước ngoài, tất nhiên trong đó có Mỹ, được đăng ký bay trở lại với tần suất 1 chuyến/tuần kể từ 8/6. Tuy nhiên, những diễn biến mới này cũng một lần nữa phát tín hiệu cảnh báo rằng chặng đường mở cửa lại bầu trời hàng không quốc tế vẫn còn nhiều mây mù phía trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước