Nhựa được tìm thấy trong dạ dày của rùa biển con. (Ảnh: Sky News)
Theo một nghiên cứu mới đây, ô nhiễm rác thải nhựa đang tạo ra một cái "bẫy tiến hóa" đối với những con rùa biển non khi chúng ăn phải nhựa. Nghiên cứu do Đại học Exeter dẫn đầu đã tìm thấy nhựa trong dạ dày của những con rùa biển non sống dọc theo bờ biển phía Đông Thái Bình Dương và phía Tây Ấn Độ Dương của Australia.
Sau khi trứng rùa nở trên bãi cát ven biển, những con rùa con di chuyển theo dòng nước biển và bắt đầu cuộc sống trong đại dương. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều con rùa non đã nuốt phải nhựa do nước biển tích tụ một lượng lớn chất thải nhựa.
Tiến sĩ Emily Duncan, thuộc Trung tâm Sinh thái và bảo tồn tại Khuôn viên Penryn của Đại học Exeter ở Cornwall, cho biết: "Rùa con đã tiến hóa để phát triển trong đại dương rộng lớn, nơi các loài săn mồi tương đối khan hiếm. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, hành vi tiến hóa này hiện dẫn chúng vào một cái bẫy, đưa những con rùa vào các khu vực ô nhiễm cao như Great Pacific Garbage Patch (đảo rác Thái Bình Dương).
Rùa biển non thường không có chế độ ăn uống chuyên biệt, chúng ăn bất cứ thứ gì, bao gồm cả nhựa".
Bà Emily Duncan nói thêm: "Chúng tôi vẫn chưa biết việc ăn phải nhựa có tác động như thế nào đối với rùa con. Tuy nhiên, bất kỳ tổn thương nào ở giai đoạn đầu đời này có thể có tác động đáng kể đến số lượng rùa biển".
Một con rùa quản đồng non. (Ảnh: Sky News)
Nghiên cứu đã kiểm tra những con rùa biển non bị trôi dạt vào bờ biển Australia hoặc bị ngư dân đánh bắt. Tổng cộng có 121 con rùa biển thuộc 5 trong số 7 loài rùa trên thế giới gồm rùa xanh, rùa đuôi dài, đồi mồi, rùa Olive Ridley và rùa lưng phẳng.
Dữ liệu cho thấy, tỷ lệ rùa có chứa nhựa trong dạ dày ở bờ biển Thái Bình Dương cao hơn nhiều, với 86% rùa quản đồng, 83% rùa xanh, 80% rùa lưng phẳng và 29% rùa Olive Ridley. Tương tự, con số này là 28% rùa lưng phẳng, 21% rùa quản đồng và 9% rùa xanh ở bờ biển Ấn Độ Dương.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, rác thải nhựa trong dạ dày rùa ở biển Thái Bình Dương chủ yếu là các mảnh cứng, có thể đến từ rất nhiều sản phẩm được con người sử dụng, trong khi ở Ấn Độ Dương chủ yếu là sợi nhựa, có thể là dây hoặc lưới đánh cá. Các loại polyme được rùa ăn nhiều nhất ở cả hai đại dương là polyetylen và polypropylen.
Tiến sĩ Duncan cho biết: "Những polyme này được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm nhựa đến mức không thể xác định được nguồn gốc của các mảnh vỡ mà chúng tôi tìm thấy. Dạ dày rùa thường chứa các mảnh có chiều dài từ 5mm đến 10mm và kích thước các hạt nhựa tăng lên theo kích thước của rùa.
Trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, chúng tôi sẽ tìm hiểu xem việc ăn phải nhựa có tác động đến sức khỏe và sự tồn tại của những con rùa này hay không và nếu có sẽ như thế nào. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với các nhà nghiên cứu và bác sĩ thú y trên toàn thế giới".
Kết quả nghiên cứu trên được đăng trên tạp chí Frontiers in Marine Science.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!