Tình trạng già hóa dân số đã làm cho lượng tiêu thụ tã bỉm liên tục tăng trong những năm gần đây tại Nhật Bản. Năm 2017, nước này đã tiêu thụ tới 23,7 tỷ chiếc, cao nhất từ trước đến nay.
Những chiếc ô tô của nhà máy tái chế tã bỉm giấy Love Forest hàng ngày đi thu gom tã bỉm đã qua sử dụng từ các viện dưỡng lão, bệnh viện và khu vực dân cư thuộc tỉnh Fukuoka. Chúng sẽ được trộn lẫn với nước để tách túi nylon hoặc nhựa trong giai đoạn đầu tiên. Chất bẩn và bông giấy sẽ tiếp tục được tách ở giai đoạn 2 của quá trình. Bông giấy trắng sạch thu được sau khi tách chất bẩn.
Sản phẩm bông giấy đã được tái chế này rất sạch và an toàn, tiếp tục được cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất bỉm như một dạng nguyên liệu. Từ tã bỉm đã qua sử dụng, nhà máy Love Forest sẽ tách thành 3 sản phẩm đầu ra gồm: bông giấy sạch dùng để tái chế thành nguyên liệu để sản xuất tã bỉm hoặc các sản phẩm giấy khác, túi nylon hay nhựa plastic được dùng để sản xuất các viên đốt RPF, nhựa tái chế và chất thải của con người được sử dụng làm phân bón
Ông Yamada Yozo, Giám đốc điều hành nhà máy Love Forest, nói: "Những loại bông giấy tái chế có giá thành ổn định với chất lượng tương đương, khách hàng dễ dàng dự tính được kế hoạch sản xuất. Đây là ưu điểm so với những loại bông giấy mới vốn phải nhập từ nước ngoài, luôn có giá cả biến động tùy thuộc vào tỷ giá và các yếu tố khác".
Tùy vào mục đích sử dụng, sản phẩm giấy sau khi tái chế được cung cấp cho các nhà sản xuất khác, đóng vai trò như một nguyên liệu đầu vào. So với phương pháp xử lý thông thường là đốt rác, hệ thống tái chế này giảm được 40% lượng khí CO2 thải ra môi trường, thu được hầu như chất thải nhựa và tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu bông giấy vốn được sản xuất từ gỗ tự nhiên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!