Hàn Quốc là quốc gia châu Á đầu tiên áp dụng hình thức "thiến hóa học" đối với những người phạm tội tình dục với trẻ em dưới 16 tuổi hoặc những người có khả năng phạm tội tình dục nhiều lần. Hình phạt này là một liệu pháp hormone. Người bị "thiến hóa học" sẽ được tiêm chất kháng testosterone, khiến nồng độ hormone testosteron trong cơ thể giảm xuống mức trước tuổi dậy thì, nên sẽ làm giảm tới mức thấp nhất những nhu cầu về tình dục. Nói một cách khác, người bị "thiến hóa học" sẽ không có cảm giác ham muốn tình dục.
"Thiến hóa học" hiện cũng được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng như Đức, Anh, Ba Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Nga và một số bang của Mỹ đối với tội phạm tình dục trẻ em.
Còn tại Indonesia, năm 2016, nước này đã tăng khung hình phạt tối đa đối với tội phạm bạo lực tình dục trẻ em từ 14 năm lên mức tử hình. Luật mới cũng đưa Indonesia trở thành quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á áp dụng hình thức "thiến hoá học".
Tại Mỹ, tội danh tấn công tình dục trẻ em có thể chịu các hình phạt từ phạt tiền, phạt tù, ghi tên là tội phạm tình dục suốt đời hoặc hạn chế ân xá, tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Để phòng ngừa việc tái phạm, tội phạm tình dục trẻ em sau khi mãn hạn tù phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ. Như tại Australia, các đối tượng sau khi ra tù sẽ buộc phải đeo vòng điện tử. Loại vòng này tích hợp hệ thống định vị GPS để cảnh sát có thể theo dõi. Các đối tượng sau khi ra tù cũng bị cấm làm việc trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!