Theo số liệu mới nhất từ Chỉ số Giá Năng lượng Hộ gia đình, hóa đơn khí đốt đã tăng 111% và tiền điện là 69%. Tính trung bình, hai con số này có nghĩa là hóa đơn năng lượng tăng 90%, hoặc gần gấp đôi, so với thời điểm tháng 10/2021.
Nghiên cứu được công bố hôm 7/11 bởi Energie-Control Austria, Cơ quan Quản lý Năng lượng và Tiện ích Công cộng Hungary (MEKH) và VaasaETT, nhấn mạnh, tác động nặng nề của cuộc chiến tại Ukraine đối với châu Âu đã gây ra cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt và khiến nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Xác định rõ việc Nga tấn công quân sự Ukraine đã tác động nghiêm trọng đến giá năng lượng, các tác giả cho biết, cuộc chiến này đã gây ra "sự không chắc chắn về an ninh năng lượng" và "giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga".
Nhà thờ Berlin tắt các đèn chiếu sáng tại Berlin, Đức, ngày 27/7. (Ảnh: AP)
Nga đã giảm và cuối cùng ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc cho châu Âu vào tháng 9 năm nay, sau khi các nước phương Tây trừng phạt Moscow vì đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, với cáo buộc Mỹ "vũ khí hóa năng lượng".
Báo cáo Chỉ số Giá Năng lượng Hộ gia đình đã xem xét giá khí đốt và điện từ năm 2009 đến tháng 10/2022 tại 33 quốc gia châu Âu, bao gồm các quốc gia thành viên EU cũng như Montenegro, Na Uy, Serbia, Ukraine, Anh và Thụy Sĩ.
Kết quả cho thấy, giá năng lượng đã tăng đột biến gần đây sau mức tăng kỷ lục vào năm 2021 do nhu cầu cao hơn khi người dân và doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID.
"Giá năng lượng cao hơn đáng kể so với một năm trước, có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố như nhu cầu gia tăng liên quan đến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và điều kiện thời tiết bất thường, giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục", các tác giả viết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!