Có gì nóng ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật?

Quang Duy-Thứ sáu, ngày 16/04/2021 16:39 GMT+7

VTV.vn - Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản có thể đặt tiền đề cho một trật tự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong nhiều năm tới.

Ngày hôm nay, 16/4 (theo giờ địa phương Mỹ), Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ hội kiến Tổng thống Mỹ Joe Biden tại thủ đô Washington D.C., Mỹ.

Cuộc gặp thượng đỉnh đánh dấu cột mốc đáng nhớ đối với cả hai nhà lãnh đạo: ông Biden gặp gỡ trực tiếp nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên kể từ khi nắm quyền tại Nhà Trắng, trong khi ông Suga có chuyến đi tới Mỹ lần đầu tiên kể từ khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản.

Kết quả thu được từ cuộc họp sẽ phần nào hé lộ định hướng chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong những năm tới, đồng thời thể hiện khả năng phát triển mối quan hệ tốt đẹp của hai nhà lãnh đạo.

Có gì nóng ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật? - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) sẽ bàn thảo nhiều vấn đề 'nóng' - Ảnh: AP

Cách đây hơn 4 năm, vào tháng 11/2016 khi ông Donald Trump mới đắc cử tổng thống Mỹ, thủ tướng Nhật khi đó là ông Abe Shinzo đã chủ động đến New York và đề nghị gặp ông Trump. Cuộc gặp không chờ lời mời chính thức đã mở đầu cho giai đoạn nồng ấm, sôi động trong quan hệ Mỹ - Nhật lẫn mối quan hệ cá nhân hữu hảo.

Do đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Suga đang nhận được những kỳ vọng như năm xưa. Để chuẩn bị cho cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Biden, Thủ tướng Suga và các quan chức tháp tùng đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ 1 tháng trước.

Có gì nóng ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật? - Ảnh 2.

Quan hệ Nhật Bản và Mỹ có giai đoạn hợp tác nồng ấm dưới thời kỳ lãnh đạo của ông Donald Trump và ông Abe Shinzo - Ảnh: Japan Times

Bài bình luận trên tờ Diplomat cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng là từ khóa được nhắc tới nhiều trong cuộc hội đàm ngày hôm nay. Trong thập kỷ qua, sự cạnh tranh của Bắc Kinh với Washington ngày càng trở nên rõ ràng và quyết liệt hơn. 

Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga dự kiến sẽ đề cập đến vai trò quan trọng mà Nhật Bản, với tư cách là đồng minh an ninh hàng đầu của Mỹ, có thể tham gia trong mối quan hệ địa chính trị với Bắc Kinh.

Mối quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản cũng là chủ đề được quan tâm trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật lần này. Một quan chức cấp cao Mỹ ngày 15/4 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn thảo luận về sự xuống cấp trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. 

Tình trạng căng thẳng kéo dài giữa Hàn Quốc và Nhật Bản là một trở ngại đối với các nỗ lực của Mỹ nhằm gia tăng sức mạnh của mạng lưới các đồng minh trong khu vực.

Có gì nóng ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật? - Ảnh 3.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã tiêm vaccine trước khi thực hiện chuyến công du tới Mỹ - Ảnh: Japan Times

Bên cạnh đó, ứng phó biến đổi khí hậu và kiểm soát đại dịch COVID-19 sẽ là những lĩnh vực giàu tiềm năng để thúc đẩy hợp tác Mỹ - Nhật. Tổng thống Biden đã nhanh chóng đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris và dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu với 40 nhà lãnh đạo thế giới từ ngày 22 - 23/4. Còn phía Nhật Bản, Thủ tướng Suga cam kết Nhật Bản sẽ giảm khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2050.

Về vấn đề COVID-19, do Nhật Bản và Mỹ có một lịch sử hợp tác lâu dài về y tế quốc tế, việc hai nước thiếu hợp tác trong phòng chống đại dịch COVID-19 được coi là điều đáng ngạc nhiên. Nhật Bản và Mỹ cũng có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các cơ chế đa phương, để giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan toàn cầu và tiêm phòng cho người dân trên thế giới trước khi xuất hiện các đột biến kháng vaccine.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật tạo cơ hội quan trọng để đưa hợp tác song phương trở lại đúng hướng. Kết thúc hội đàm, lãnh đạo hai nước dự kiến sẽ tổ chức họp báo và công bố một loạt các tuyên bố chung. 

Theo giới phân tích, nhiều khả năng ông Suga và ông Biden sẽ đạt được các thỏa thuận nhằm tăng cường liên kết kinh tế và an ninh, tăng cường hợp tác để đối phó các thách thức an ninh đang nổi lên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, hiện thực hóa sáng kiến xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa, chống biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng chuỗi cung ứng không phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ quốc gia nào.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước