Hội nghị thượng đỉnh về tài chính khí hậu kỳ vọng tạo ra những đột phá mới

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 23/06/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Mục đích của hội nghị lần này là nhằm phát triển một hệ thống tài chính thế giới mới, giảm gánh nặng về nợ cho các nước có thu nhập thấp.

Nhận thấy sự cấp bách trong việc hành động ứng phó biến đổi khí hậu, Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới, theo sáng kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được tổ chức tại Paris trong hai ngày (22 và 23/6).

Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới quy tụ hàng chục nhà lãnh đạo nhằm tìm ra sự đồng thuận ở cấp cao nhất về cách thức tiến hành các sáng kiến đang gặp trở ngại trong các tổ chức lớn như G20, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới và Liên hợp quốc. Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron coi đây là cơ hội để tái tập trung cấu trúc tài chính toàn cầu nhằm giải quyết tốt hơn quy mô tài chính rộng lớn cần thiết để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu của thế giới vào cuối thập niên này.

Tổng thống Emmanuel Macron nói: "Sự bất bình đẳng đang gia tăng, biến đổi khí hậu làm gia tăng các rủi ro và thế giới của chúng ta cũng phải chịu những cú sốc ngày càng nhiều. Hệ thống tài chính trong quá khứ đã không còn phát triển đủ nhanh, không còn thích hợp với hoàn cảnh hiện nay. Chúng ta phải tổ chức lại với các mục tiêu mới, nếu không đạt được mục tiêu, không đủ tham vọng và hiệu quả, niềm tin của người dân sẽ mất".

Hội nghị thượng đỉnh về tài chính khí hậu kỳ vọng tạo ra những đột phá mới - Ảnh 1.

Cùng chung quan điểm này, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng cho rằng, cấu trúc tài chính toàn cầu đã lỗi thời, bất thường, không công bằng và đã thất bại trong sứ mệnh cung cấp một mạng lưới an toàn toàn cầu cho các quốc gia đang phát triển. "Cấu trúc tài chính toàn cầu đã trở nên lỗi thời, rối loạn và bất công, nó không còn khả năng đáp ứng nhu cầu của thế giới trong thế kỷ 21 - một thế giới đa cực không chỉ bởi đặc trưng là các nền kinh tế và thị trường tài chính hội nhập sâu rộng, mà còn bởi những căng thẳng địa chính trị và rủi ro hệ thống gia tăng".

Hội nghị thượng đỉnh lần này thu hút đông đảo sự chú ý, bởi đây được cho sẽ là nền tảng cho các ý tưởng mới trước một loạt các cuộc họp kinh tế và khí hậu lớn trong những tháng tới.

Nhu cầu tài chính khí hậu khổng lồ

Câu chuyện tài chính khí hậu không phải là mới nhưng đã và đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Hiện nhu cầu tài chính cho khí hậu là rất lớn. Liên Hợp Quốc cho rằng, thế giới cần phân bổ 1.000 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030 cho các nước đang phát triển ngoài Trung Quốc để đối phó với khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học.

Trong khi tổ chức Oxfam ước tính rằng, 27 nghìn tỷ USD sẽ phải được huy động để "chống đói nghèo, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển" từ nay đến năm 2030, tức là khoảng 3,9 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Ngân hàng Thế giới thì đưa ra ước tính thậm chí còn cao hơn. Theo đó, thế giới sẽ cần 4.000 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030 để xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển.

Hội nghị thượng đỉnh về tài chính khí hậu kỳ vọng tạo ra những đột phá mới - Ảnh 2.

Nhu cầu tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu là vô cùng lớn và cấp thiết, bởi vì cứ mỗi giây phút trôi qua, con người lại càng chậm chân hơn trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu và thiệt hại không chỉ là kinh tế, tài chính mà là cả sinh mạng. Đóng góp, cải cách các nguồn tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Ông Navid Hanif - Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc: "Hệ thống tài chính quốc tế hiện tại không cung cấp nguồn tài chính ổn định và hợp lý trong dài hạn cần thiết để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và chống lại biến đổi khí hậu. Điều này do nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là do bối cảnh kinh tế đã thay đổi, bản chất của thị trường đã thay đổi, những rủi ro đã thay đổi. Tình trạng bất bình đẳng gia tăng và tình trạng khẩn cấp về khí hậu".

Bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ: "Các quốc gia không thể giảm tỷ lệ nghèo một cách bền vững và đầu tư vào tăng trưởng nếu họ liên tục đối mặt với những cú sốc do biến đổi khí hậu, đại dịch hoặc xung đột. Ngân hàng phát triển đa phương cần phát triển để kết hợp giải quyết những thách thức toàn cầu này. Điều này bao gồm cải cách tầm nhìn, cơ cấu khuyến khích, mô hình hoạt động và năng lực tài chính để giúp các quốc gia chống lại những thách thức này và xây dựng khả năng phục hồi".

Bà Salma Kadry - Chuyên gia về Khí hậu, Hòa bình và An ninh, Hiệp hội Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế: "Cần đơn giản hóa các công cụ tài chính khí hậu phù hợp với các quốc gia xung đột và khả năng tiếp cận của các quốc gia cần thiết nhất".

Ông John Kerry - Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu: "Không thể chối cãi rằng khủng hoảng khí hậu là một trong những mối đe dọa an ninh hàng đầu, không chỉ đối với thế giới phát triển mà còn đối với toàn bộ hành tinh, đối với chính sự sống trên hành tinh. Cuộc khủng hoảng này đã khiến các quốc gia thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm, mà chúng ta chi kinh phí thậm chí không phải để ngăn chặn vào thời điểm này, mà chỉ để dọn dẹp mớ hỗn độn".

Hội nghị thượng đỉnh về tài chính khí hậu kỳ vọng tạo ra những đột phá mới - Ảnh 3.

Kỳ vọng từ Hội nghị Thượng đỉnh tài chính khí hậu

Rõ ràng rằng huy động tài chính cho biến đổi khí hậu là nhu cầu của không chỉ quốc gia riêng biệt nào, trong bối cảnh hiện tại, khi cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu càng trở nên cấp bách, Hội nghị thượng đỉnh Paris về hiệp ước tài chính toàn cầu mới được kỳ vọng có thể tạo ra những đột phá mới trong huy động tài chính cho biến đổi khí hậu.

Trang France24 cho biết: Hội nghị thượng đỉnh Paris lần này sẽ không đưa ra các cam kết tài chính, mà thay vào đó sẽ thảo luận về các phương thức tài chính hiệu quả nhất. Các mục đầu tiên trong chương trình nghị sự là những mục dựa trên các cam kết đã được thiết lập.

Trang web của Hội đồng châu Âu về chính sách đối ngoại cho biết: Hội nghị có thể đạt được một số kết quả nhất định như các điều khoản về hoãn nợ do thiên tai, tái phân bổ quyền rút vốn đặc biệt, các loại thuế quốc tế mới. Bên cạnh đó, một mục tiêu khiêm tốn nhưng có thể đạt được từ hội nghị thượng đỉnh sẽ là sự trỗi dậy của một "liên minh tham vọng", trong đó một số quốc gia cam kết đảm nhận những thách thức cụ thể và duy trì nỗ lực ngoại giao sau Hội nghị thượng đỉnh ở Paris.

Tờ Channel News Asia thì cho biết: Hội nghị được kỳ vọng sẽ là nền tảng cho các ý tưởng trước một loạt các cuộc họp kinh tế và khí hậu lớn trong những tháng tới. Các quốc gia hy vọng các ngân hàng phát triển đa phương hỗ trợ mở khóa các khoản đầu tư khí hậu, tăng đáng kể hoạt động cho vay và hỗ trợ dừng trả nợ cho các nước gặp điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Về triển vọng, tờ Global Citizen trích dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết các chuyên gia bày tỏ lạc quan về sự sẵn sàng đổi mới trong vấn đề tài chính khí hậu. Theo các chuyên gia này, thế giới đang có một số điểm tương đồng về một khởi đầu mới về tài chính khí hậu, đó là cần nhiều tiền hơn và cần có các cơ chế mới để đảm bảo nguồn tài chính cho khí hậu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn đầu của quá trình và có thể sẽ mất 1 hoặc 2 năm nữa để có thể có một thỏa thuận thực sự diễn ra.

Theo các chuyên gia quốc tế thì khó có thể kỳ vọng một cam kết tài chính cụ thể từ Hội nghị thượng đỉnh về thỏa thuận tài chính toàn cầu mới, đồng thời khẳng định sự kiện này chỉ là một trong nhiều bước đi cần thiết để ứng phó với các thách thức về biến đổi khí hậu. Và như vậy, sẽ cần nhiều hơn nữa một Hội nghị thượng đỉnh Paris về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới để có thể đưa các cam kết và các nguồn tài chính vào thực tiễn trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước