Người dân sơ tán khỏi một ngôi làng gần Jakhau ở bang Gujarat, Ấn Độ, ngày 14/6, trước khi bão Biparjoy đổ bộ. (Ảnh: AP)
Siêu bão Biparjoy (có nghĩa là "thảm họa" trong tiếng Bengali) đang đi qua biển Arab và dự kiến sẽ đổ bộ như một "cơn bão rất nghiêm trọng" vào tối 15/6, các nhà quan sát thời tiết của chính phủ Ấn Độ, Pakistan cho biết.
Những trận gió thổi mạnh, triều cường và mưa lớn được dự báo sẽ gây thiệt hại ở khu vực bờ biển dài 325 km (200 dặm) giữa thành phố Mandvi, bang Gujarat của Ấn Độ và thành phố Karachi ở Pakistan.
Cục Khí tượng Ấn Độ dự đoán, bão Biparjoy sẽ đổ bộ gần cảng Jakhau của Ấn Độ vào đêm 15/6, cảnh báo bão sẽ "phá hủy hoàn toàn" những ngôi nhà tranh bằng rơm và bùn truyền thống.
Trên biển, gió thổi với tốc độ lên đến 180 km/h (112 dặm/h) hôm 14/6, các nhà dự báo cho biết.
Tốc độ gió được dự đoán sẽ đạt 125 - 135 km/h, với gió giật lên tới 150 km/h vào thời điểm bão đổ bộ.
Các nhà khí tượng học của Ấn Độ cảnh báo, siêu bão Biparjoy có thể gây ra "thiệt hại trên diện rộng", bao gồm cả việc phá hủy mùa màng, "làm cong hoặc bật gốc các cột điện và trụ thông tin liên lạc", làm gián đoạn giao thông đường sắt và đường bộ.
Hoạt động đánh bắt cá dọc theo bờ biển bang Gujarat của Ấn Độ bị đình chỉ.
Ngư dân neo đậu tàu đánh cá đang sau cảnh báo về bão Biparjoy, ở Karachi, Pakistan. (Ảnh: EPA)
Trong khi đó, ngày 14/6, Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman cho biết, 62.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực bờ biển phía Đông Nam nước này. 75 cơ sở trú ẩn và cứu trợ đã được lập ra tại các trường học và cao đẳng.
Bà xác nhận, ngư dân đã nhận được cảnh báo không được ra khơi, các máy bay hạng nhẹ đã phải dừng hoạt động, trong khi lũ lụt có thể xảy ra ở siêu đô thị Karachi, nơi sinh sống của khoảng 20 triệu người.
Bà Sherry Rehman nói với các phóng viên ở Islamabad: "Chúng tôi đang tuân theo chính sách "thận trọng hơn là chờ xem". Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là cứu người".
Cục Khí tượng Pakistan dự báo, gió giật lên tới 140 km/h ở tỉnh Sindh phía Đông Nam, kèm theo triều cường đạt tới 3,5 mét (11,5 feet).
Các trận bão là mối đe dọa thường xuyên và có thể gây chết người ở bờ biển phía Bắc Ấn Độ Dương, nơi có hàng chục triệu người sinh sống.
Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng các cơn bão đang trở nên dữ dội hơn khi Trái đất ấm lên cùng với biến đổi khí hậu.
Roxy Mathew Koll, một nhà nghiên cứu khí hậu tại Viện Khí tượng Nhiệt đới Ấn Độ, cho biết, các trận bão lấy năng lượng từ vùng nước ấm và nhiệt độ bề mặt ở biển Arab ấm hơn 1,2 đến 1,4oC so với bốn thập kỷ trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!