Hơn 100.000 người biểu tình ở Pháp phản đối tân Thủ tướng

Đàm Linh (Theo Al Jazeera)-Chủ nhật, ngày 08/09/2024 13:50 GMT+7

Dòng người biểu tình ở Nantes phản đối ông Michel Barnier (Ảnh: AFP)

VTV.vn - Hàng trăm nghìn người đổ xuống đường biểu tình trên khắp nước Pháp để phản đối quyết định của Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm ông Michel Barnier làm Thủ tướng.

Bất ổn chính trị tiếp diễn tại Pháp

Hàng trăm nghìn người người ủng hộ phe cánh tả đã tuần hành khắp nước Pháp để phản đối chính trị gia trung hữu Michel Barnier được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm làm Thủ tướng. Trước đó, các đảng cánh tả đã cáo buộc ông Macron đánh cắp kết quả bầu cử lập pháp.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết khoảng 110.000 người đã đổ xuống đường trên toàn quốc, bao gồm 26.000 người ở Paris, trong khi một nhân vật cánh tả hàng đầu đưa ra con số 300.000 người tham gia biểu tình trên khắp nước Pháp. Ngoài thủ đô Paris, các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại Nantes ở phía Tây, Nice và Marseille ở phía Nam và Strasbourg ở phía Đông.

Hôm 5/9, Tổng thống Macron đã bổ nhiệm ông Barnier, 73 tuổi, một nhà chính trị bảo thủ và từng là nhà đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu, làm Thủ tướng, khép lại cuộc tìm kiếm kéo dài 2 tháng sau quyết định triệu tập một cuộc bầu cử lập pháp bất thành, dẫn đến một quốc hội treo chia thành ba khối.

Phe cánh tả, do đảng cực tả France Unbowed (LFI) lãnh đạo, đã cáo buộc Tổng thống đánh cắp kết quả bầu cử sau khi ông Macron từ chối chọn ứng cử viên của liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NFP) đứng đầu trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 7.

Hơn 100.000 người biểu tình ở Pháp phản đối tân Thủ tướng - Ảnh 1.

Hàng nghìn người bày tỏ sự giận dữ trước quyết định của Tổng thống Macron về việc lựa chọn tân Thủ tướng (Ảnh: AP)

Nhiều người biểu tình đã hướng sự tức giận của họ vào ông Macron, thậm chí một số người còn kêu gọi ông từ chức.

Anh Manon Bonijol - người biểu tình - cho rằng: "Nền Cộng hòa thứ 5 đang sụp đổ. Phiếu bầu của người dân sẽ vô ích khi ông Macron còn nắm quyền".

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với tư cách là người đứng đầu chính phủ, ông Michel Barnier cho biết vào tối 6/9 rằng chính phủ của ông sẽ gồm những người bảo thủ, các thành viên trong phe của ông Macron và một số người từ phe cánh tả.

Ông Barnier sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn là nỗ lực thúc đẩy cải cách ngân sách năm 2025, trong bối cảnh nước Pháp đang chịu áp lực từ Ủy ban châu Âu và thị trường trái phiếu để giảm thâm hụt.

Bà Marine Le Pen, người đứng đầu nhóm nghị sĩ thuộc đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp (RN) tại quốc hội, cho biết đảng của bà sẽ không tham gia nội các mới của ông Barnier. Bà cũng nói sẽ chờ đến khi tân Thủ tướng Pháp có bài phát biểu về chính sách trước quốc hội để quyết định có ủng hộ ông hay không.

Ông Barnier sẽ phải cân nhắc tới lợi ích của RN, đảng đơn lẻ lớn nhất trong quốc hội đang chia rẽ của Pháp, nếu muốn tránh bị bỏ phiếu bất tín nhiệm ở cơ quan này.

Những quan điểm trái ngược về người đứng đầu chính phủ

Rất nhiều người biểu tình tin rằng Tổng thống Macron đang cho phép phe cực hữu tham gia chính phủ bằng cách chuyển giao công việc cho ông Barnier. Họ nói rằng ông Macron đã mở ra cánh cửa để phe cực hữu nắm quyền lực hơn bao giờ hết trong bối cảnh địa chính trị phức tạp của nước Pháp.

"Có sự tức giận không hề nhỏ ở đây cũng như cảm giác bất công và ý nghĩ cho rằng ông Macron đang chế giễu nền dân chủ" - một người biểu tình ở Nantes cho hay.

Hơn 100.000 người biểu tình ở Pháp phản đối tân Thủ tướng - Ảnh 2.

Ông Michel Barnier - chính trị gia 73 tuổi - từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ Pháp (Ảnh: AP)

Công ty thăm dò ý kiến ​​Elabe đã công bố một cuộc khảo sát hôm 6/9 cho thấy 74% người Pháp cho rằng ông Macron đã bỏ qua kết quả bầu cử, trong số đó, 55% tin rằng ông đã đánh cắp chúng.

Tổng thống Macron và giới doanh nghiệp đang đứng trước áp lực thời hạn ngân sách sắp tới, khi ngân sách cần phải được phê duyệt vào cuối năm và trình lên quốc hội trước ngày 1/10.

Trước khi chính trường biến động, Pháp đã đối mặt áp lực phải hành động vì ngân sách chính phủ mất cân đối. EU chỉ trích Pháp vì nợ công lớn, cao hơn so với các nước láng giềng, ước tính tương đương hơn 110% GDP. Tỷ lệ nợ công so với GDP của khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là dưới 90%, ở Đức chỉ là 63%.

Ở chiều ngược lại, có ý kiến lại cho rằng ông Barnier "rất đáng tin cậy", người được cho là có thể kiểm soát được tình hình tài chính công của Pháp và rất dễ chịu với phong trào chính trị cực hữu trong nước - vốn là những người vẫn chưa cam kết ủng hộ ông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước